Việt Nam nằm trong top tăng trưởng nội dung tin tức xã hội nhanh nhất thế giới

Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:27, 28/11/2024

Đây là thông tin được đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ tại workshop dành cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, TikTok Việt Nam tổ chức workshop “Giải pháp xây dựng nội dung hiệu quả và tối ưu các công cụ phát triển kênh TikTok dành cho phóng viên báo chí”.

Đây là hoạt động chia sẻ thường niên của TikTok Việt Nam dành cho các phóng viên, biên tập viên và nhân sự quản lý trực tiếp kênh TikTok trong các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hơn 300 cơ quan báo chí Việt Nam có mặt trên TikTok

Theo thông tin từ TikTok, hiện có hơn 300 đơn vị báo chí tại Việt Nam đang vận hành tài khoản TikTok, bao gồm các cơ quan thông tấn từ Trung ương đến địa phương. Xét riêng về nội dung tin tức xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu.

Tại workshop, TikTok Việt Nam đã chia sẻ tổng quan về các công cụ sáng tạo nội dung báo chí, những thủ thuật giúp tác phẩm tin tức nói riêng và nội dung nói chung tối ưu lượt tiếp cận, cập nhật điểm mới trong chính sách cộng đồng cũng như các chính sách bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng.

W-tiktok workshop 1.jpg
Toàn cảnh workshop “Giải pháp xây dựng nội dung hiệu quả và tối ưu các công cụ phát triển kênh TikTok dành cho phóng viên báo chí” ngày 27/11. Ảnh: Du Lam

Ông Nino Lưu, phụ trách Quan hệ đối tác nhà xuất bản TikTok khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thông tin thêm về cách xây dựng nội dung và kênh báo chí an toàn, hiệu quả. Ông đưa ra một số khuyến nghị như tối ưu 8 giây đầu tiên của video để giữ chân khán giả, duy trì đăng tối thiểu 1 video mỗi ngày, 14 video mỗi tuần và 60 video mỗi tháng.

Ông cũng lưu ý các cơ quan báo chí khi mở kênh TikTok, đó là không bật phần mềm VPN trên thiết bị, không nên mở tài khoản hoặc đăng nội dung khi đang ở nước ngoài... để tránh bị TikTok định dạng là người dùng ở quốc gia đó, dẫn đến khán giả Việt Nam không được tiếp xúc với thông tin.

Từ góc độ đội ngũ vận hành TikTok, ông khuyến nghị những người phụ trách kênh TikTok trong các cơ quan báo chí làm mới mình mỗi ba tháng, thay đổi cách sáng tạo nội dung, kể chuyện để luôn duy trì được sự hiện diện trên mạng và sức hấp dẫn với người xem.

“Thủ thuật” xây kênh TikTok hiệu quả cho báo chí

Có mặt tại workshop, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành và phát triển kênh TikTok thành công, cũng như những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình báo cáo vi phạm bản quyền, khai thác thương mại, chuyển đổi lượt xem TikTok sang lượt truy cập website gốc.

Là một trong những tờ báo đầu tiên lên TikTok tại Việt Nam, Báo điện tử VietNamNet hiện sở hữu kênh TikTok với hơn 3,4 triệu lượt theo dõi. Bà Vũ Huyền Linh, Giám đốc Trung tâm Marketing, cho biết để hoạt động hiệu quả, tương tác tốt, kênh cần được định vị đúng, theo luồng cụ thể, tạo dấu ấn với độc giả. Yếu tố trực quan như màu sắc chủ đạo, logo, hình ảnh cũng phải mang đậm chất VietNamNet. Tuy nhiên, khi đạt đến mức độ phát triển nhất định, bài toán làm thế nào để kiếm tiền từ kênh cũng đặt ra áp lực không nhỏ cho đội ngũ vận hành.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Nguyễn Khánh Linh, quản lý hệ thống kênh TikTok Báo điện tử Dantri với hàng triệu lượt theo dõi, cho rằng điều kiện tiên quyết là cần nắm rõ điều khoản và chính sách của nền tảng, liên tục cập nhật để không bị vi phạm. Một số yếu tố khác bao gồm chỉ đăng thông tin xác thực, trong vòng 2 giờ khi sự kiện xảy ra, ưu tiên chất lượng hình ảnh, video... Việc chuyên môn hóa nhân sự theo từng khâu soạn thảo, biên tập... cũng đóng vai trò quan trọng.

Liên quan đến vấn đề bản quyền, đại diện VnExpress nêu thực trạng mà tờ báo này đang gặp phải, đó là các trang tin lấy lại nội dung của báo rồi “xào nấu” ra sản phẩm trên TikTok. Do quá trình báo cáo vi phạm thủ công không thể xử lý ngay lập tức, trong khi dòng chảy tin tức không ngừng thay đổi, đại diện VnExpress đề nghị TikTok bổ sung hệ thống quét bản quyền tự động để bảo vệ những người nắm giữ bản quyền nội dung gốc.

Ông Justin Sim đến từ bộ phận An toàn và Tin cậy của TikTok thông tin, các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền trên nền tảng liên tục tăng: Từ 56.200 năm 2021 lên hơn 300.000 năm 2023. Điều này thể hiện mức độ phát triển về quy mô của công ty cũng như các chính sách ngày càng quyết liệt hơn trong việc bảo vệ bản quyền.

Ông khẳng định TikTok luôn tuân thủ quy định của nước sở tại, không ngừng phát triển, bổ sung tính năng mới để bảo vệ chủ sở hữu nội dung, giúp tất cả mọi người có môi trường hoạt động an toàn.