Lý do khiến giới chức Mỹ muốn Google bán Chrome
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 20:04, 27/11/2024
Chỉ đạo từ Bộ Tư pháp Mỹ
Trong tháng 11, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề xuất rất thẳng thắn: "Google phải thoái vốn khỏi Chrome", nhằm chấm dứt tình trạng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet.
Động thái này theo sau phán quyết quan trọng của tòa án vào tháng 8 năm ngoái. Ở thời điểm đó, một thẩm phán liên bang xác định rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền và độc chiếm trái phép thị trường dịch vụ tìm kiếm internet.
Đáng chú ý, đối với Android của Google, Bộ Tư pháp đề xuất hai biện pháp: thoái vốn hoặc chịu sự giám sát của chính phủ.
Cả hai yêu cầu với Android và Chrome đều đặt ra thách thức to lớn đối với hoạt động quảng cáo, mang lại lợi nhuận của Google và sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với công ty.
Giám đốc pháp lý của Google, Kent Walker, đã gọi các đề xuất của Bộ Tư pháp là "gây choáng váng", "cực đoan". Google lên kế hoạch nộp các đề xuất của riêng mình vào tháng tới và kháng cáo tại tòa án.
Giáo sư Beth Egan tại Đại học Syracuse (Mỹ) đánh giá, việc mất Chrome sẽ buộc Google phải thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh của mình. Hiện tại, Google dựa vào dữ liệu của Chrome làm nguồn thông tin để quảng bá các dịch vụ khác tới người dùng và đào tạo thuật toán.
Tìm kiếm Google là nền tảng kinh doanh quảng cáo béo bở của công ty, còn Chrome đứng thứ hai. Tờ Guardian (Anh) cho biết Google là trình duyệt phổ biến nhất trên thế giới, tự hào được gần 2/3 số người sử dụng internet tin dùng. Trong khi đó, phân tích của Bloomberg ước tính Chrome được 3 tỷ người trên toàn cầu sử dụng và có giá trị 15 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google sẽ phải chịu đòn giáng mạnh khi không có Chrome, và Google sẽ thu hẹp lại.
Lập luận của hai bên
Google lập luận rằng việc thoái vốn khỏi Chrome sẽ gây tổn hại đến vị thế của Mỹ trong ngành công nghệ. Đáp lại, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, chính hành vi độc quyền của Google gây tổn hại đến vị thế của Mỹ trong ngành công nghệ.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết mục tiêu của họ là tăng cường cạnh tranh. Trong hồ sơ tòa án có đề cập đến mở cửa cho cạnh tranh; không để Google hưởng thành quả từ các hành vi vi phạm luật định; ngăn chặn Google độc quyền thị trường này và các thị trường liên quan trong tương lai.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khả băng Google bán Chrome cũng khá mơ hồ. Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm có lập trường ngày càng quyết liệt hơn đối với các công ty công nghệ lớn, thì quan điểm của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới lại không rõ ràng. Nhân vật được ông Trump chọn làm bộ trưởng Tư pháp sẽ tiếp quản Bộ Tư pháp vào tháng 1, và sau đó sẽ quyết định có nên tiếp tục hay rút yêu cầu đối với Google.
Phán quyết với Google có thể coi là chiến thắng của luật chống độc quyền Mỹ vốn đã có "tuổi đời" hơn một thế kỷ. Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ có luật "chống độc quyền", tạo điều kiện để chính phủ xử lý các công ty độc quyền và các tập đoàn lớn thông qua tòa án. Quay trở lại năm 1911, luật chống độc quyền đã khiến Standard Oil, công ty dầu mỏ độc quyền của John D. Rockefeller, tan rã.
Ông Ulrich Müller từ tổ chức phi lợi nhuận Rebalance Now nhận định, cơ quan quản lý Mỹ đã giám sát chặt chẽ các công ty độc quyền vào những năm 1960 và đầu những năm 1970 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, giám sát nới lỏng vào những năm 1980 khi học thuyết của Trường Kinh tế Chicago cho rằng việc các công ty nắm độc quyền thị trường là chấp nhận được nếu họ vận hành hiệu quả. Điều này dẫn đến ít can thiệp mang tính cấu trúc hơn trong những năm tiếp theo.
Khoảng 20 năm sau, Microsoft trở thành mục tiêu của các cơ quan quản lý độc quyền, với phán quyết của tòa án Mỹ rằng gã khổng lồ phần mềm này phải bị chia tách do các hoạt động độc quyền của mình. Hệ điều hành Windows của công ty được tích hợp chặt chẽ với trình duyệt Internet Explorer đến mức đẩy đối thủ Netscape ra khỏi thị trường trình duyệt. Tuy nhiên, Microsoft đã kháng cáo phán quyết này, tránh được việc chia tách, sau khi cho phép đối thủ cạnh tranh truy cập vào một số phần của hệ thống.