Bệnh bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm diện rộng?
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:01, 27/11/2024
Tính đến tháng 11.2024, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc trong các tháng 1, 2 và 4 tại các ổ dịch cũ thuộc các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh.
Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong vào tháng 6 tại huyện Kỳ Sơn.
Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc vào tháng 7 tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong ở Nghệ An.
Gần đây nhất, Cao Bằng ghi nhận 1 ca tử vong do bạch hầu. Tại xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm một gia đình có ca bệnh tử vong sinh sống biệt lập trên đồi, cách xa các hộ dân khác. Gia đình gồm 8 thành viên, hiện chưa ai xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Qua điều tra ban đầu, có 19 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, bao gồm 11 người tại trường học và 8 người trong gia đình.
Hiện tại, nguồn lây nhiễm của ca bệnh vẫn chưa được xác định. Đặc biệt, việc triển khai điều trị dự phòng bằng kháng sinh gặp trở ngại lớn do đặc thù vùng cao: địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn và phần lớn chỉ có thể đi bộ. Những yếu tố này đang làm tăng thêm áp lực cho công tác phòng chống dịch tại khu vực.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Bệnh bạch hầu không phải là bệnh mới và đã có vaccine phòng bệnh được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1985. Việc tiêm vaccine đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng, giúp giảm số ca mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983, khi có khoảng 3.500 ca mắc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vẫn ghi nhận các ca bệnh rải rác tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt 100%, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cung cấp vaccine còn khó khăn, dẫn đến việc tạo ra "vùng lõm" tiêm chủng.
TS Hoàng Minh Đức khẳng định rằng tình hình bệnh bạch hầu năm 2024 đến nay chưa phải là vấn đề phức tạp, số ca mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, và nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn trên diện rộng là thấp.Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, ông khuyến cáo người dân đưa trẻ từ 2 tháng đến 7 tuổi đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành phần bạch hầu đầy đủ và đúng lịch. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.