Nhân tài trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ là yếu tố đột phá

Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:00, 27/11/2024

Đối với Việt Nam, nguồn nhân lực số nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ là yếu tố đột phá cùng thể chế số và hạ tầng số.

Ngày 27/11/2024, tại TPHCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT).

Khanh thanh
Các đại biểu bấm nút khai trương Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT). Ảnh: Đào Phương

Tham dự buổi lễ có ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, ông Vipra Pandey, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM. Về phía PTIT có GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện.

Ông Tân Hạnh, Phó Giám đốc PTIT, phụ trách Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 (trực thuộc PTIT) cho biết, dự án hỗ trợ đào tạo về CNTT trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ, được Ấn Độ viện trợ không hoàn lại theo quỹ hợp tác ASEAN - Ấn Độ (AICF) với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong các quốc gia ASEAN, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia trọng điểm. Dự án này được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Công nghệ điện toán Tiên tiến (CDAC) thuộc Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Chính phủ Ấn Độ, là đơn vị tiên phong trong việc phát triển siêu máy tính và các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời chủ trì các dự án như CESDT để hỗ trợ phát triển ngành CNTT tại các quốc gia thuộc ASEAN.

TanHanhPTIT
Ông Tân Hạnh, Phó Giám đốc PTIT, phụ trách Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2. Ảnh: Đào Phương

Dự án tài trợ trị giá hơn 1,1 triệu USD bao gồm trang thiết bị, phần mềm, đào tạo Master Trainer tại Ấn Độ, phái cử chuyên gia Ấn Độ hỗ trợ vận hành tại Việt Nam, giấy phép uỷ quyền bản quyền các khoá học… để hình thành một trung tâm đào tạo uỷ quyền của CDAC tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị duy nhất thụ hưởng và thực hiện dự án này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Theo ông Tân Hạnh, PTIT đã xây dựng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng, tích hợp chương trình đào tạo CDAC vào chương trình đào tạo dài hạn, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp CNTT để cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp. Sinh viên, học viên tham gia chương trình đào tạo của dự án được học theo chương trình quốc tế, thực hành với dự án thực tế của doanh nghiệp và được cấp chứng chỉ quốc tế khi hoàn thành. Bên cạnh đó sinh viên cũng được bổ sung các kỹ năng mềm, ngoại ngữ để có thể có được việc làm tốt nhất khi hoàn thành chương trình.

Dai su Ando
Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Ảnh: Đào Phương

Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ, CESDT là một phần của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đại diện cho sự tiếp nối các sáng kiến tương tự trong lĩnh vực CNTT, công nghệ số và dịch vụ phần mềm giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trung tâm được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các cán bộ và sinh viên Việt Nam cũng như các nước trong khu vực thông qua một loạt các khoá học trong các lĩnh vực như lập trình máy tính, truyền thông dữ liệu và mạng, công nghệ web, an ninh mạng, tự động hoá văn phòng…

Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, đối với Việt Nam, nguồn nhân lực số nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ là yếu tố đột phá cùng thể chế số và hạ tầng số để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong những năm qua, PTIT luôn là đơn vị tiên phong phát triển để đóng góp ngày càng nhiều hơn về số lượng, với chất lượng cao hơn cho nhân lực số Việt Nam.

TTPhanTam
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại buổi lễ ra mắt CESDT. Ảnh: Đào Phương

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, việc khánh thành Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT) sẽ là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của PTIT. Bộ TT&TT tin tưởng rằng, với các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, Trung tâm sẽ trở thành một nơi lý tưởng để đào tạo các chuyên gia công nghệ số đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả dự án, tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, Bộ TT&TT đề nghị với Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các giảng viên của Học viện tham gia khóa đào tạo Master Trainer trong khuôn khổ dự án, mở rộng dự án trong giai đoạn tới để vừa phát huy giá trị của dự án và vừa gắn chặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Định hướng Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao phát triển trong thời gian tới, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu Học viện, Trung tâm đào tạo tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế để khẳng định và đi đến công nhận kết quả các khóa đào tạo ngắn hạn của Trung tâm ở phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế; Tăng cường kết nối theo mô hình 3 bên: Cơ sở đào tạo – Cơ sở nghiên cứu – Doanh nghiệp trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường và định hướng đào tạo của ngành, Quốc gia để đóng góp thực chất cho thị trường nhân lực số quốc gia.

Trung tâm đào tạo khẩn trương triển khai biên bản thoả thuận hợp với các đối tác bằng những hành động cụ thể để phát huy hiệu quả của dự án.

Cũng tại sự kiện, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 (đơn vị trực thuộc PTIT) được giao quản lý, vận hành CESDT đã ký thoả thuận hợp tác với các đối tác: Công ty cổ phần DevPlus để đào tạo kỹ năng và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của các công ty phần mềm. Viện Thông tin và Quản lý Thuỵ Sỹ cùng Hệ thống văn bằng năng lực quốc gia Anh Quốc trong việc công nhận các chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ của Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 và CESDT.