Khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 của TP. HCM có gì mới?
Kinh doanh - Ngày đăng : 13:09, 27/11/2024
Theo kế hoạch, thời gian khảo sát kéo dài từ tháng 11/2024 – 15/12/2024. Nhóm đối tượng thực hiện là các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư đang triển khai dự án; các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Cam kết trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp
DDCI (District and Department Competitiveness Index) là công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các quận, huyện và các sở, ngành tại TP. HCM. Công cụ này được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của thành phố.
Năm 2024, đối với các sở – ban – ngành, DDCI có 9 chỉ số thành phần. Bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống.
Đối với các địa phương, DDCI có 10 chỉ số thành phần. Bao gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và Chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số Xanh; Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống; Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Phương pháp khảo sát sẽ kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp. Trong đó, khảo sát chính bằng hình thức khảo sát trên các nền tảng (platform) trực tuyến và Phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư chiến lược.
Theo UBND TP. HCM, với hai bộ tiêu chí trên, thành phố muốn cam kết trách nhiệm của các cơ quan hành chính, công chức viên chức với người dân và doanh nghiệp. Thành phố muốn lắng nghe các ý kiến phản hồi để có sự điều chỉnh kịp thời và cải thiện nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Cùng với việc thúc đẩy thi đua, tạo động lực nâng cao chất lượng cải cách hành chính; Kế hoạch khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 cũng hướng đến tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ để DDCI của Thành phố trở thành thương hiệu, điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy trách nhiệm xã hội và góp phần nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thông qua quá trình tiếp cận các thông tin khảo sát.
Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi gì từ DDCI 2024?
Năm 2023, kết quả khảo sát DDCI TP.HCM về tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị đã chỉ ra được là doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo các đơn vị Sở, ban ngành có thể chủ động nhận diện vấn đề của các doanh nghiệp mình quản lý và tham mưu cho chính quyền cấp trên đề xuất xử lý, nên xây dựng kênh thông tin Thành phố tương tự kênh “Thông tin Chính phủ”, doanh nghiệp cũng muốn được tạo môi trường “sandbox” cho hoạt động khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị các đơn vị nên tập trung giải quyết công việc tồn, thúc đẩy sự phát triển chung của Thành phố, dám nghĩ dám làm. Không né tránh, không sợ trách nhiệm vì quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức viên chức cần được liên tục nâng cao để hỗ trợ tốt hơn trong các thủ tục hành chính phức tạp.
Đáng chú ý, các nhóm chỉ số đánh giá bao gồm: minh bạch thông tin và Chuyển đổi số: Đánh giá khả năng tiếp cận thông tin và mức độ sử dụng dịch vụ trực tuyến của các cơ quan. Các chỉ số khác như: Chi phí không chính thức (phản ánh các chi phí phát sinh không chính thức trong quá trình làm thủ tục hành chính), Chi phí thời gian ( tập trung vào thời gian xử lý thủ tục hành chính và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp tại các cơ quan), cạnh tranh bình đẳng (đánh giá sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp lớn và nhỏ).
Ngoài ra cón có Chỉ số Xanh nhằm đánh giá các nỗ lực trong bảo vệ môi trường và khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững. Hay chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống (tập trung vào hạ tầng y tế, chất lượng sống và vệ sinh an toàn thực phẩm).
Theo UBND TP. HCM, việc triển khai DDCI mang lại nhiều lợi ích to lớn. Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, kết quả khảo sát sẽ giúp các cơ quan chính quyền hiểu rõ hơn về các điểm mạnh và yếu, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến phù hợp. DDCI còn giúp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và công bằng. Thông qua khảo sát còn giúp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. HCM hàng năm.