Quân sự thế giới hôm nay (27-11): Quân đội Nga phát triển drone phun lửa
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:13, 27/11/2024
* Quân đội Nga phát triển drone phun lửa
Theo Defense News, quân đội Nga đã phát triển một thiết bị không người lái (drone) phun lửa nhằm phục vụ trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cụ thể, một số kênh Telegram của Nga đã công bố đoạn clip cho thấy một vật thể dường như là drone được trang bị hỗn hợp dễ cháy, khi bay lên không trung sẽ phun ra ngọn lửa lớn.
Hình ảnh cắt từ clip được cho là drone phun lửa đang được quân đội Nga thử nghiệm. Ảnh: Defense News |
Mặc dù chưa có thông tin chính xác về loại khí tài này, song dựa vào hình ảnh trên, giới phân tích quân sự phương Tây đánh giá đây có thể là loại drone 4 cánh quạt mang theo bình nhỏ nặng khoảng 1kg chứa chất dễ cháy, có khả năng tạo ra ngọn lửa trong phạm vi hiệu quả 2-3m. Trọng lượng dung dịch như vậy sẽ “vừa đủ” cho 1 lần xuất kích và drone sẽ quay trở lại nạp thêm để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Các chuyên gia cho rằng, việc điều khiển drone và điều hướng ngọn lửa về phía mục tiêu đối phương đòi hỏi người lính phải thao tác rất chuyên nghiệp, nhất là đối với mục tiêu đang di chuyển. Đồng thời, cơ chế phun lửa phải được tính toán chính xác để ngọn lửa và sức nóng không ảnh hưởng đến chính phương tiện đó, đặc biệt là khi nó đứng im lúc khai hỏa trên không trung. Các chuyên gia cho biết mục tiêu mà drone “rồng lửa” nhắm đến chính là drone góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine.
* Tàu lặn không người lái cỡ lớn của Anh lần đầu thử nghiệm trên biển
Army Recognition dẫn thông báo từ nhà thầu quốc phòng BAE Systems của Anh cho biết đã thực hiện thành công thử nghiệm trên biển đối với tàu lặn không người lái kích thước cực lớn (XLUUV) mang tên Herne, được tiến hành ngoài khơi bờ biển phía nam nước này.
Theo tuyên bố, được hỗ trợ bởi hệ thống điều khiển Nautomate do BAE Systems phát triển, tàu XLUUV Herne đã chứng minh được khả năng vận hành liền mạch ở chế độ hoàn toàn tự động.
Tàu XLUUV Herne. Ảnh: UK Defence Journal |
Nhà sản xuất chưa công bố thông số kỹ thuật của tàu XLUUV Herne, nhưng đã chia sẻ một số nội dung như thiết kế module giúp dễ dàng nâng cấp, hệ thống đẩy sử dụng pin nhiên liệu hydro, thời gian lặn tối đa 45 ngày và quãng đường di chuyển lên tới 5.000km.
Khả năng tải trọng của tàu XLUUV Herne cũng rất đáng kể, cho phép tích hợp với nhiều hệ thống chuyên biệt như xe điều khiển từ xa (ROV), sonar mảng kéo chiến thuật, thiết bị thu thập thông tin tình báo, cũng như nhiều trang thiết bị khác cho hoạt động tác chiến chống tàu ngầm (ASW), tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Dù không đề cập đến vũ khí mang theo, song tương tự như các dự án mà nhiều nước đang phát triển, tàu XLUUV Herne được cho là sẽ có đủ không gian để mang theo nhiều thiết bị và vũ khí như ngư lôi, mìn hoặc thậm chí là cả phương tiện dưới nước không người lái (AUV) nhỏ hơn nhằm thực hiện đa dạng các nhiệm vụ như một tàu ngầm chiến đấu thông thường.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, môi trường dưới nước cũng là một lĩnh vực tác chiến ưu tiên của quân đội đảo quốc sương mù. Vì vậy, các dòng AUV sẽ là vũ khí chủ lực trong tương lai của Hải quân Hoàng gia Anh.
* Không quân Mỹ đặt mua thêm “thùng xăng bay” KC-46A Pegasus
Air & Space Forces Magazine đưa tin, Không quân Mỹ vừa trao cho Boeing hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD cho lô số 11 để mua thêm 15 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46A Pegasus.
Theo thống kê, Boeing đã sản xuất, bàn giao và nhận đặt hàng tổng cộng 168 “thùng xăng bay” này. Trong đó, hãng đã chuyển 89 chiếc KC-46A Pegasus cho Không quân Mỹ kể từ năm 2019, cũng như 4 chiếc khác cho Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Israel cũng đang mua 4 chiếc từ Boeing, với thời gian giao hàng bắt đầu vào năm 2025.
Máy bay KC-46A Pegasus tiếp nhiên liệu cho một chiếc cường kích A-10 Thunderbolt II của Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force |
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, số máy bay trên sẽ được chế tạo tại nhà máy của Boeing ở Everett, bang Washington, Mỹ và dự kiến Boeing sẽ hoàn thành hợp đồng vào cuối tháng 6-2028. Không quân Mỹ hiện có kế hoạch mua 179 chiếc KC-46A Pegasus.
Tính đến nay, Không quân Mỹ đã sử dụng KC-46A Pegasus để tiếp nhiên liệu trên không cho tất cả các loại máy bay trong biên chế.
Được gọi là “thùng xăng bay”, dòng KC-46 được phát triển trên khung thân máy bay thương mại chở khách động cơ kép Boeing 767 nhằm thay thế hoàn toàn đội máy bay tiếp nhiên liệu KC-10 Extender đã đến niên hạn loại biên. Nhờ trang bị cả ống tiếp nhiên liệu cứng lẫn mềm đặt ở cánh và thân máy bay, KC-46 có sức chở 96 tấn nhiên liệu và khả năng tiếp nhiên liệu cho tất cả các máy bay (có thể tiếp một lúc 2 chiếc) với tốc độ chuyển tối đa lên tới hơn 4.500 lít/phút. Nó còn có thể thực hiện linh hoạt cả những nhiệm vụ khác như vận chuyển quân, hàng hóa, thiết bị quân sự…
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.