Tỷ phú Chu Lập Cơ ca ngợi bà Trương Mỹ Lan, xin tòa xử 'mức án thấp nhất có thể'

Pháp luật - Ngày đăng : 20:00, 26/11/2024

Trong lời nói sau cùng, ông Chu Lập Cơ không xin giảm án cho bản thân mà chỉ xin cho vợ mình là bà Trương Mỹ Lan. Ông Cơ khẳng định, bà Lan là một người vợ, người mẹ tuyệt vời.

Chiều nay (26/11), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm tiếp tục với lời sau cùng của các bị cáo.

Trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) không xin HĐXX giảm án cho mình mà chủ yếu nói về người vợ Trương Mỹ Lan. Ông Cơ khẳng định, vợ mình thể hiện phẩm chất tốt đẹp với gia đình và quê hương.

"Tôi đã suy nghĩ suốt 2 năm qua về gia đình, đây là câu chuyện ly kỳ về một số phận. Trong suốt 30 năm, từ một người nước ngoài tôi trở thành con rể ở Việt Nam. Vợ tôi là một người vợ, người mẹ tuyệt vời.

Vợ tôi đã nghe theo lời kêu gọi của cơ quan chức năng để sáp nhập 3 ngân hàng lại thành SCB, nhưng không may rơi vào hoàn cảnh hôm nay. Vì vậy tôi kính mong tòa xin ghi nhận công sức thiện nguyện của cô ấy đối với cộng đồng"- ông Chu Lập Cơ nói.

W-chu lap co 1155.jpg
Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: Nguyễn Huế

Đồng thời, ông này cũng khẳng định bản thân cùng vợ và gia đình sẽ tuân thủ phán quyết của toà nhưng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà Lan dưới mức thấp nhất có thể.

Trước đó, ông Cơ được VKS đề nghị giảm hình phạt từ 9 năm xuống còn từ 7-8 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2012, dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, ông Chu Lập Cơ đã lập hồ sơ vay vốn tại SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu. Cả hai vợ chồng bà Lan thống nhất sử dụng tài sản dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.

Từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, ông Chu Lập Cơ đã giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống, giải ngân tiền vay tại SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng. Tổng số tiền giải ngân là gần 30.000 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Số tiền này được sử dụng cho mục đích riêng của bà Lan.

Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập "khống", các khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc và lãi nên các khoản nợ đến hạn không thể trả. Bà Lan lại thuyết phục chồng ký biên bản họp HĐQT Công ty CP Times Square, tiếp tục sử dụng tài sản của công ty thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng. Việc này nhằm gia hạn nợ đang vay SCB.

Cơ quan điều tra xác định, ông Chu Lập Cơ đã giúp sức cho vợ rút tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.

Tại tòa hôm nay, trong lời nói sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày, đây là vụ án kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử, bị cáo mong sẽ không bao giờ có thêm một Trương Mỹ Lan để xảy ra vụ án như thế này.

Không xin cho bản thân hay cho cô mình thoát án tử như những lần trước, Huệ Vân trầm giọng nói: "Cô Trương Mỹ Lan đã dấn thân, hy sinh để giúp cho hàng ngàn những mảnh đời bất hạnh. Hôm nay, bị cáo không xin gì thêm, bởi nếu xin nữa, bị cáo sẽ không hiểu được hết thế nào là cuộc sống".

W-hue van 1154.jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Nguyễn Huế

Bản án sơ thẩm xác định, Trương Huệ Vân được bà Lan giao giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát và điều hành nhiều công ty khác nhau trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt động Công ty CP Lavifood, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria.

Với vị trí được giao, theo chỉ đạo của bà Lan, Trương Huệ Vân đã thành lập 52 công ty “ma”, tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB.

Trương Huệ Vân bị xác định là đồng phạm giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 1 ngàn tỷ đồng của Ngân hàng SCB.