Quân sự thế giới hôm nay (26-11): Nga xuất kích “thú mỏ vịt” Su-34 mới
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:28, 26/11/2024
* Nga xuất kích “thú mỏ vịt” Su-34 mới
Ngày 25-11, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga công bố đã chuyển giao cho lực lượng không quân nước này một lô máy bay ném bom chiến đấu Su-34 Fullback mới.
Su-34, định danh NATO: Fullback, là tiêm kích - ném bom chiến thuật do tập đoàn Sukhoi sản xuất. Ảnh: Topwar |
Số lượng máy bay cụ thể vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên, trong một video do UAC công bố, một trong những cảnh quay cho thấy quá trình bảo dưỡng hai chiếc Su-34. Các máy bay ném bom chiến đấu mới này đã hoàn tất quá trình huấn luyện cần thiết và đã được điều đến các địa điểm bảo dưỡng. Tổng giám đốc UAC cũng cho biết đây không phải là lô Su-34 cuối cùng trong năm nay. Những máy bay ném bom chiến đấu này đã trở thành cốt lõi sức mạnh tấn công của không quân tiền tuyến và chứng minh được hiệu quả của chúng trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Su-34, định danh NATO: Fullback, là tiêm kích - ném bom chiến thuật do tập đoàn Sukhoi sản xuất. Su-34 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm ném bom chiến thuật, tấn công các mục tiêu trên bộ, trên không và trên biển cũng như các hoạt động chiến đấu trên không.
Máy bay được trang bị buồng lái song song, cho phép phi hành đoàn gồm hai phi công phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. Sử dụng 2 động cơ phản lực Saturn AL-31F, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,8 (hơn 2.200km/giờ), trần bay 15.000m, tầm hoạt động 4.000km mà không cần tiếp nhiên liệu. Su-34 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến như radar Leninets V004, cung cấp khả năng theo dõi và tránh địa hình, hệ thống chế áp điện tử trên không Khibiny, hệ thống dẫn đường quán tính INS kết hợp định vị toàn cầu GPS.
Về hỏa lực, Su-34 có thể mang nhiều loại vũ khí không đối đất, bao gồm bom dẫn đường như KAB-500, KAB-1500, tên lửa không đối đất như Kh-29, Kh-31 và Kh-59. Trong không chiến, máy bay có thể được trang bị tên lửa R-73 và R-77. Su-34 cũng được trang bị pháo tự động 30mm GSh-30-1 để chiến đấu ở cự ly gần.
* Bồ Đào Nha hiện đại hóa xe bọc thép Pandur II 8x8
Lực lượng vũ trang Bồ Đào Nha đang xem xét kế hoạch hiện đại hóa đội xe bọc thép Pandur II 8x8 nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng bộ binh.
Pandur II 8x8 là xe bọc thép chở quân (APC) được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu hiện đại của hoạt động quân sự và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ảnh: NATO |
Theo Army Recognition, chiến lược hiện đại hóa của Bồ Đào Nha liên quan đến việc chuyển đổi các xe bọc thép hiện có thành xe chiến đấu bộ binh có đầy đủ khả năng, được trang bị vũ khí và hệ thống tiên tiến, đáp ứng những thách thức của chiến trường hiện đại.
Nhà sản xuất General Dynamics European Land Systems đã đề xuất chương trình nâng cấp giữa vòng đời cho đội xe Pandur II, bao gồm thay thế súng máy 12,7mm bằng hệ thống vũ khí cỡ trung (MCWS) được trang bị pháo tự động Mk44 30mm. Bản nâng cấp này sẽ tăng cường khả năng chống lại các hệ thống máy bay không người lái và bộ binh ẩn nấp thông qua việc sử dụng đạn nổ trên không có thể lập trình. Ngoài ra, các xe nâng cấp có thể được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) như Javelin, Spike hoặc MMP (Akeron), giúp tăng đáng kể tính linh hoạt và khả năng sát thương của phương tiện.
Pandur II có nhiều loại vũ khí mô-đun được thiết kế riêng theo nhiệm vụ và nhu cầu hoạt động. Phiên bản tiêu chuẩn của xe có thể được trang bị pháo Bushmaster II 30mm hoặc tháp pháo Cockerill 105mm đối với các nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp. Bên cạnh đó, xe còn có hệ thống vũ khí phụ bao gồm súng máy FN MAG 7,62mm, súng máy hạng nặng M2 Browning 12,7mm, tên lửa chống tăng Spike LR hoặc TOW, giúp tăng cường thêm tính linh hoạt của xe trước nhiều mối đe dọa khác nhau. Tính mô-đun này cho phép Pandur II thích ứng với cả vai trò vận chuyển quân và chiến đấu.
Quyết định hiện đại hóa đội xe Pandur II của Bồ Đào Nha phù hợp với xu hướng duy trì sự cân bằng về công nghệ và thích ứng với sự phức tạp ngày càng tăng của tác chiến liên hợp giữa các đồng minh NATO. Sáng kiến này nếu được triển khai, sẽ củng cố năng lực của các lữ đoàn cơ giới của Bồ Đào Nha, đảm bảo rằng lực lượng này vẫn là lực lượng mạnh mẽ và có khả năng thích ứng trong bối cảnh quốc phòng châu Âu.
* Tại sao tàu khu trục Type 26 và Type 31 đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hải quân của Anh?
Hải quân Hoàng gia Anh đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự ra mắt của hai lớp khinh hạm: Lớp City Type 26 và lớp Inspiration Type 31. Hai lớp tàu này dự kiến sẽ định hình lại năng lực hoạt động của Hải quân Hoàng gia, cung cấp một lực lượng hiện đại và cân bằng.
Ảnh mô phỏng khinh hạm Type 31. Ảnh: UK MoD |
Type 26, còn được gọi là chiếm hạm toàn cầu, được thiết kế bởi BAE Systems, tập trung vào chức năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) để chống lại các mối đe dọa dưới nước. Tàu được trang bị hệ thống sonar tiên tiến, bao gồm sonar mảng kéo Sonar 2087 và sonar gắn ở mũi tàu, điều này khiến tàu trở thành khí tài quan trọng để bảo vệ lực lượng răn đe hạt nhân và các nhóm tác chiến tàu sân của Anh.
Trong khi đó, Type 31 là minh chứng cho sự đổi mới, tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Được thiết kế bởi Babcock International, Type 31 có kích thước nhỏ hơn Type 26, với lượng giãn nước khoảng 5.700 tấn, nhưng vẫn giữ được khả năng thích ứng cần thiết cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thiết kế mô-đun của tàu cho phép nâng cấp và tùy chỉnh trong tương lai, phù hợp với nhu cầu của Hải quân Hoàng gia về một hạm đội linh hoạt.
Không giống như Type 26, được thiết kế cho các tình huống chiến đấu, Type 31 được thiết kế cho các hoạt động an ninh hàng hải, chống cướp biển, nhiệm vụ hộ tống, cũng như cứu trợ thiên tai. Vũ khí được trang bị trên Type 31 bao gồm tên lửa Sea Ceptor để tự vệ, pháo chính 57mm và pháo phụ nhỏ hơn, đảm bảo tàu có thể phản ứng hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau mà không phải trả chi phí cao để trang bị các hệ thống tiên tiến như trên Type 26.
Việc đưa những khinh hạm này vào hoạt động là một lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của Anh. Cả hai chương trình đều ưu tiên đóng tàu trong nước, hỗ trợ hàng nghìn việc làm và củng cố cơ sở công nghiệp của quốc gia. Hơn nữa, tiềm năng xuất khẩu của hai lớp khinh hạm này là rất lớn. Khi Type 26 và Type 31 đi vào hoạt động, chúng sẽ trở thành xương sống của Hải quân Anh.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.