Cựu Chủ tịch Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù, bồi thường hơn 1.400 tỷ đồng
Pháp luật - Ngày đăng : 10:22, 25/11/2024
Sáng nay (25/11), phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) bước vào phần tranh luận. Đại diện VKS đã nêu quan điểm về vụ án.
Theo đại diện VKS, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, đủ cơ sở kết luận, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã vi phạm các quy định về sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu và tiền bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản nhà nước 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá xăng dầu 219 tỷ đồng, từ thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỷ đồng.
Đối với lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, chỉ nhận quà của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, đại diện VKS cho rằng, lời khai này chỉ là ngụy biện.
Từ lời khai của bị cáo Hạnh và các tài liệu chứng cứ có thể xác định, bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), bị cáo Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đã lợi dụng chức vụ của mình, chỉ đạo cấp dưới cấp giấy phép cho doanh nghiệp không đủ điều kiện. Từ đó, bị cáo Hải đã nhận của bị cáo Hạnh 50.000 USD và bị cáo Trần Duy Đông nhận 130.000 USD.
Đối với bị cáo Lê Đức Thọ khi còn là Chủ tịch HĐQT của Vietinbank đã 2 lần nhận 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng) của bị cáo Hạnh để tạo điều kiện trong việc cấp và kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil. Sau đó, bị cáo Thọ đã phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng cho công ty này.
Khi lên làm Bí thư Bến Tre, bị cáo Thọ còn lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cụ thể, bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Công ty CP Việt Oil được vay vốn thuận lợi với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.
Với sự giúp đỡ này, ông Thọ đã được bị cáo Hạnh hối lộ 200.000 USD và tặng xe Mercedes Benz S450 Luxury, 1 bộ gậy golf, đồng hồ hiệu Patek Philippe Plus.
Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích suất sắc, tự nguyện khắc phục hậu quả và được nhiều đơn vị làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo đại diện VKS, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh giữ vai trò chính trong vụ án, hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước rất lớn. Sau khi phạm tội mới khắc phục được một phần, không đáng kể thiệt hại. Vì vậy cần phải có mức án nghiêm khắc mới đủ răn đe, phòng ngừa chung.
Mức án nghiêm khắc giành cho các bị cáo
Từ các phân tích trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 10-12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội từ 30 năm tù.
Đề nghị tuyên phạt bị cáo Lê Đức Thọ từ 15-15 năm 6 tháng về tội “Nhận hối lộ”, từ 13-13 năm 6 tháng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 28-29 năm tù. Phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải từ 3-4 năm tù; bị cáo Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước) 7-8 năm tù; Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) từ 6-7 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4-5 năm tù.
Về dân sự, buộc bị cáo Hạnh bồi thường tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng.