Thương mại điện tử Việt Nam hiện nay: cần ‘hà hơi, tiếp sức’ từ nhiều phía

Kinh doanh - Ngày đăng : 11:27, 21/11/2024

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ( TMĐT), việc đưa hàng Việt lên các sàn TMĐT là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn, tuy nhiên, để thành công trên các sàn TMĐT hiện nay, hàng Việt cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
z6051840748707_3f2fa78f0803fa1406c410cbc5359689.jpg

Ngày 20/11 tại TP. HCM Hội thảo: "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn KIDO, Công ty Shopee Việt Nam.

Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" nhằm thu thập các góp ý, hiến kế từ các chuyên gia, doanh nghiệp,… qua đó đề xuất các giải pháp, mô hình kết nối, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Những năm gần đây, TMĐ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, khi các nền tảng TMĐT xuyên biên giới phát triển, các doanh nghiệp trong nước đã và đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp quốc tế với nhiều lợi thế về chi phí vận hành, logistics, giá cả, đầu tư kho bãi...

“Mạnh tay” đầu tư logistics, livestream, AI, chuyển đổi số…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More - một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu Việt và những bài học rút ra trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển. Trong hành trình này, ông từng đi học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với doanh nghiệp của mình.

close-up-minimalist-shot-generic-laptop-computer-working-accessories-resting-wooden-table-1-1625717196005426697008.jpg

Doanh nghiệp cũng tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm và thích nghi với xu hướng thương mại điện tử. Nhìn sang Trung Quốc, ông Luận nhận thấy quốc gia này đã tạo ra các "nhà máy livestream", nơi hàng nghìn phòng vận hành chuyên nghiệp theo mô hình dây chuyền. Đây là bài học quan trọng cho Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng lực lượng livestream chuyên nghiệp hơn.

"Người dân và tiểu thương Trung Quốc rất rõ ràng về cách làm thương mại điện tử. Chỉ cần một kênh mới ra mắt, họ đã biết cách tận dụng và phát triển. Còn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự hiểu bản chất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu rõ cách khai thác thương mại điện tử. Đơn cử tại các buổi livestream, không ít doanh nghiệp chưa biết cách thiết lập giỏ hàng hay thu hút khách hàng hiệu quả. Thực tế, chúng ta cần thay đổi tư duy, học hỏi và xây dựng một nền tảng chuyên nghiệp hơn", ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay.

Ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho rằng từ khóa của thương mại điện tử hàng Việt là "logistics". Theo ông Trung, logistics chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại dù ở ngay trên sân nhà. Cụ thể, nhờ nắm bắt được các xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam nên phía Trung Quốc có thể xây dựng các kho sát biên giới Việt Nam. Cũng nhờ nắm bắt được xu hướng nên phía Trung Quốc có thể gom hàng tới một địa điểm gần với khu vực tiêu thụ nhiều nhất. Nhờ đó, tốc độ giao hàng được thực hiện một cách nhanh nhất.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết: “Các doanh nghiệp phải liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số thương mại điện tử hiệu quả hơn. Những điểm chính quan trọng các doanh nghiệp cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), livestream và quảng cáo. Hiện nay nhân viên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thực hiện các phiên livestream, thậm chí một phiên livestream có thể đạt đến vài nghìn đơn hàng; bán hàng thời trang đổi size, đổi màu... thì AI hầu hết đều xử lý được. Dựa vào nền tảng công nghệ để phân tích và dựa câu hỏi để đưa ra câu trả lời, AI có thể xử lý 10.000 nhu cầu khác nhau”.

Cần chung tay, góp sức ủng hộ TMĐT Việt Nam

Bà Trần Thị Tân, giám đốc trách nhiệm xã hội TikTok Shop cho biết: “Để chung tay tiếp sức hàng Việt trên thương mại điện tử, cần sự ủng hộ nhiều của đối tác, người bán hàng, cơ quan ban ngành. Các yếu tố này sẽ tạo bệ phóng cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Đối với TikTok Shop, đơn vị đã có nhiều chính sách tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, như thực hiện chương trình "Chợ phiên OCOP", ra mắt sáng kiến "Tự hào hàng Việt" cả online và offline, hợp tác các sở ngành tổ chức lễ hội kết nối cung cầu... Tính đến nay đơn vị đã triển khai hợp tác tại 33 tỉnh thành với 100 chương trình đã thực hiện và con số này còn tăng lên...”.

2.-da-dang-hoa-uu-dai-va-nang-cao-trai-nghiem-nguoi-dung.jpg

Ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết: “Sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ. Do vậy chúng ta cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh;

Chúng tôi đề xuất giải pháp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử theo định hướng bền vững, đó là phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh; sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường, giúp tăng hình ảnh của hàng Việt; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn. Song song đó, tăng cường hợp tác với Chính phủ và ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi và giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững đối với hoạt động logistics cho thương mại điện tử”.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. HCM - cho rằng lợi thế chúng ta đang có là hệ thống phân phối truyền thống, tạp hóa với mạng lưới có sẵn nhân công và nguồn hàng có.

TP. HCM có hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa được trang bị đầy đủ, chuẩn hóa nguồn hàng... nếu tất cả chuyển đổi số thì đủ sức tạo thành mạng lưới phân phối lớn cho hàng Việt, thương nhân đủ sức sống với hàng Việt. Ở Trung Quốc, hầu hết các sạp ở chợ đều có mã QR, khách quét lên thì đó đều là cửa hàng trực tuyến... việc đa dạng kênh bán giúp cải thiện doanh số rất tốt. Chẳng hạn chúng ta mua hàng ở chợ tại Trung Quốc giờ muốn mua thêm quét QR của sản phẩm là có trên trang Alibaba. Với một mạng lưới cửa hàng hệ thống tạp hóa, nếu có sự đồng lòng của sàn thương mại điện tử, đơn vị logistics, phân phối... thì việc cải tạo cửa hàng tạp hóa, sạp chợ truyền thống theo hướng "quầy hàng công nghệ" hoàn toàn khả thi, ông Hùng cho biết.

Thống kê của Google cho thấy thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm vừa qua. Thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng cũng khoảng 18% trong quý vừa qua. Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng hơn 30 đến 40%. Người tiêu dùng tập trung mua chủ yếu trên những nền tảng lớn, trong đó Shopee và TikTok Shop đã chiếm gần 90% thị phần.

Thanh Phượng (Tổng hợp)