Người tiêu dùng Việt sẽ mua sắm cho Tết 2025 như thế nào?

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:13, 21/11/2024

Báo cáo triển vọng mua sắm mùa Tết 2025 của Kantar tiết lộ những thay đổi trong hành vi mua sắm tiêu dùng Tết của người Việt sau một năm đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, kinh tế xã hội và và đưa ra dự báo về xu hướng tiêu dùng Tết 2025.
cach-tai-shopee-tren-may-tinh-thumb.jpg

Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu người tiêu dùng Kantar Worldpanel vừa công bố báo cáo “Nắm bắt cơ hội mùa lễ hội 2025: FMCG hướng đến Tết đơn giản hơn”, dự báo những xu hướng tiêu dùng ngành FMCG trong mùa Tết nguyên đán 2025 sắp tới, dựa vào dữ liệu tình hình kinh tế xã hội, tâm lý người tiêu dùng và dữ liệu mua sắm FMCG của Kantar trong năm 2024.

Báo cáo mua sắm Tết thường niên của Kantar Worldpanel Việt Nam ghi lại những điểm nhấn chính về hành vi của người tiêu dùng trong dịp lễ lớn nhất trong năm tại Việt Nam. Báo cáo này cung cấp thông tin chuyên sâu về hiệu quả hoạt động của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dịp Tết 2024 ở khu vực Thành thị 4 thành phố chính và nông thôn Việt Nam, trong khoảng thời gian 2 tháng ngay trước Tết.

Tết 2024: Sự chuyển mình trong hành vi tiêu dùng của người Việt

Tết 2024 đánh dấu sự chuyển đổi lớn trong hành vi đón Tết và mua sắm Tết. Báo cáo của Kantar cho thấy mặc dù tổng giá trị chi tiêu cho ngành FMCG tiêu dùng tại nhà trong 2 tháng trước dịp Tết 2024 vẫn duy trì ở mức cao nhất trong 5 năm qua, nhưng không ghi nhận sự tăng trưởng so với năm trước.

Kantar nhận định những dấu hiệu chững lại trong tăng trưởng đến từ một số yếu tố, bao gồm môi trường kinh tế khó khăn trong năm 2023, những lo ngại về vấn đề tài chính-việc làm của các hộ gia đình và xu hướng đơn giản hóa các thủ tục đón Tết của người tiêu dùng Việt.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây người tiêu dùng Việt Nam cũng như toàn thế giới phải đối mặt với rất nhiều biến động: từ đại dịch, khủng hoảng kinh tế thế giới với tình trạng lạm phát kéo dài cũng như nhiều đợt thiên tai bão lũ lớn,... cho tới những vấn đề về đời sống như an ninh việc làm không đảm bảo.

Vì vậy, sau một năm đối mặt với nhiều mối lo toan cuộc sống, người tiêu dùng đã chọn một cách nghỉ Tết đơn giản hơn, bớt các dịp tụ họp linh đình để có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình cũng như phân bổ chi tiêu một cách hợp lý.

Ngành FMCG mùa Tết 2024: Hướng đến giá trị thiết thực và sức khỏe

Mùa Tết 2024 chứng kiến xu hướng người tiêu dùng lựa chọn một số ngành hàng FMCG hướng đến tính thực tiễn, thiết yếu và tốt cho sức khỏe.

anh-minh-hoa-2-.jpg

Sự thay đổi này thể hiện rõ trong việc suy giảm giá trị tiêu thụ của các ngành hàng truyền thống như rượu, bia, bánh kẹo và sự gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như gia vị, phụ gia thực phẩm. Ngay cả trong việc tặng quà Tết, các lựa chọn quà tặng thiết thực, lành mạnh và phù hợp với túi tiền cũng trở nên phổ biến hơn.

Đúng nơi, đúng thời điểm: Chìa khóa thành công của bán lẻ

Để tối đa hóa khả năng tiếp cận người mua và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các thương hiệu và doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược của mình cho phù hợp với hành vi mua sắm Tết khác nhau ở khu vực thành thị và nông thôn, cũng như trên các kênh mua sắm trực tuyến và các kênh mua sắm hiện đại và truyền thống khác.

Trong khi các kênh trực tuyến đã tăng trưởng đáng kể trong tổng đóng góp giá trị kênh bán lẻ đặc biệt ở các khu vực đô thị, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng đối với người mua sắm ở nông thôn trong dịp Tết. Trong khi đó, đỉnh giá trị mua sắm FMCG tại nông thôn thường kéo dài hơn khu vực thành thị do người dân ở nông thôn có xu hướng nghỉ lễ dài hơn. Vì vậy, việc hiểu rõ sự khác biệt trong hành vi mua sắm cũng như hành trình mua sắm của người tiêu dùng giữa các kênh là điều rất quan trọng.

Dự báo xu hướng mua sắm FMCG đón Tết 2025

Những quý cuối năm 2024 đang cho thấy một triển vọng kinh tế tích cực hơn so với năm ngoái, với GDP Quý 3/2024 đạt mức tăng trưởng vượt bậc 7.4% so với cùng kỳ năm trước.

anh-minh-hoa-3-.jpg

Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng vẫn cho thấy một sự cẩn trọng nhất định về tình hình tài chính gia đình cũng như những yếu tố bên ngoài, cho thấy khả năng chi tiêu thận trọng kể cả trong mùa Tết. Kantar dự báo mức tăng trưởng giá trị FMCG trong Tết 2025 khiêm tốn trong khoảng 1-4%, với mức tăng trưởng ở thành thị thấp hơn tại nông thôn.

Để đáp ứng ứng một cách linh hoạt nhu cầu đón Tết và mua sắm Tết đang thay đổi của người tiêu dùng, thương hiệu cần đổi mới và cung cấp các sản phẩm FMCG mang giá trị thiết thực, tiện lợi cũng như thay đổi chiến lược bán hàng, và marketing để phù hợp với từng kênh và từng khu vực.

Thanh Phượng (Tổng hợp)