Mỗi ngày có hơn 630 phản ánh của người dùng Việt về lừa đảo trực tuyến

Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:37, 20/11/2024

Trong 4 tuần từ 14/10 đến 10/11, hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tiếp nhận 17.679 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam.

3 lĩnh vực 'hứng chịu' nhiều tấn công lừa đảo, giả mạo 

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, trong 17.679 phản ánh các trường hợp lừa đảo được người dùng gửi tới đơn vị từ 14/10 đến 10/11, có 856 trường hợp phản ánh qua trang canhbao.khonggianmang.vn và 16.823 trường hợp phản ánh qua tổng đài 156/5656.

Song song đó, lũy kế đến hết tháng 9, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin ghi nhận 125.338 website giả mạo cơ quan, tổ chức.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn hơn cả là website giả mạo trang web của ngân hàng, tổ chức tài chính, sàn thương mại điện tử, cơ quan nhà nước.

W-tin-nhan-lua-dao-gia-mao-ngan-hang-2-1.jpg
Tài chính - ngân hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu của các nhóm tấn công lừa đảo, giả mạo. Ảnh minh họa: Trọng Đạt

Các website giả mạo được các đối tượng tạo ra để lừa đảo, không những gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của cơ quan, tổ chức bị giả mạo.

Báo cáo tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam quý III/2024 mới được Viettel Cyber Security công bố cũng cho hay, trong quý thứ 3 của năm nay, số lượng tên miền giả mạo tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia nhận định, sự gia tăng mạnh số lượng tên miền giả mạo đặt ra những vấn đề cấp bách về bảo vệ thương hiệu đối với các công ty, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

W-ti le tan cong lua dao gia mao phan bo theo nganh.jpg
Phân bố tỉ lệ tấn công lừa đảo, giả mạo trong quý III/2024 theo ngành. Ảnh: VCS

Đề cập đến sự phân bổ tấn công lừa đảo, giả mạo theo nhóm ngành, trong quý vừa qua, tài chính - ngân hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu của các nhóm tấn công, chiếm 58% tổng số các cuộc tấn công, tập trung chủ yếu vào các hình thức lừa đảo liên quan đến dịch vụ thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến…

Với tỷ lệ lần lượt là 17% và 13%, bán lẻ - thương mại điện tử và dịch vụ công cũng là 2 lĩnh vực phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo trong quý III.

Trong đó, các cuộc tấn công vào lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử Chủ yếu là lợi dụng thương hiệu của các tổ chức lớn để lừa đảo với hình thức làm nhiệm vụ ăn chia hoa hồng.

Các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo vào lĩnh vực dịch vụ công đã và đang gây ra thiệt hại lớn cho các nạn nhân, khi số tiền bị chiếm đoạt trong mỗi vụ lừa đảo lên tới hàng trăm, hàng tỉ đồng.

Ngoài ra, hệ thống Viettel Threat Intelligence cũng ghi nhận các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo liên quan đến những ngành, lĩnh vực quan trọng khác tại Việt Nam như viễn thông, chứng khoán, năng lượng...

Nhiều thách thức trong 'cuộc chiến' chống lừa đảo

Nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn đang là vấn nạn nhức nhối trên không gian mạng Việt Nam và thế giới, các chuyên gia bảo mật cũng thống nhất rằng ‘cuộc chiến’ nhằm đẩy lùi vấn nạn này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đó là, các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, sử dụng các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, sử dụng các trang web, tên miền đặt máy chủ tại nước ngoài khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Các hành vi lừa đảo qua các mạng xã hội phần lớn là ẩn danh không xác định được nhân thân theo quy định về bảo mật thông tin cá nhân của các mạng xã hội.

Cùng với đó, còn tồn tại nhiều tài khoản ngân hàng với thông tin cá nhân ảo, số điện thoại ảo để các đối tượng lừa đảo sử dụng.

Một thách thức lớn khác là nhận thức của người dùng mạng xã hội chưa cao, khiến cho việc chiếm tài khoản mạng xã hội để lừa đảo còn diễn ra.

Người dân được khuyến nghị áp dụng 'quy tắc 6 không’ để phòng tránh lừa đảo trực tuyến. Nguồn clip: NCSC

Theo các chuyên gia, bên cạnh hàng loạt giải pháp đang được Bộ TT&TT và các bộ, ngành quyết liệt triển khai, thời gian tới, việc thực thi các quy định về xác thực, chặn lọc, bảo vệ người dùng mạng xã hội... tại Nghị định 147 ngày 9/11/2024 của Chính phủ, sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi tiêu cực, trong đó có các chiêu trò lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân.

Với người dùng, chuyên gia NCSC lưu ý: Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo trực tuyến áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để tạo dựng lòng tin và dẫn dắt các nạn nhân làm theo kịch bản của chúng.

Vì thế, mỗi người dân cần nắm được những kiến thức, kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.