Người thầy gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở Quảng Bình

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:20, 20/11/2024

Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở Quảng Bình, mong ước lớn nhất của thầy Hoàng Xuân Dục chỉ đơn giản là được chứng kiến các em học sinh trưởng thành, có một tương lai tốt đẹp...

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp, thầy Hoàng Xuân Dục được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tính đến nay, thầy Dục cũng đã ngót nghét gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao nơi đây.

Nỗ lực vì tương lai của học sinh

Người thầy giáo gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở Quảng Bình
Suốt gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở xã Lâm Hóa, ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, thầy Hoàng Xuân Dục còn đến tận nhà để hướng dẫn các em nhiều kỹ năng sống. Ảnh: B.T

Từ những ngày đầu, để nhanh chóng hoà đồng cùng các em, thầy Dục đã quyết tâm xây dựng một kế hoạch với phương châm "ba cùng", gồm: Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các em học sinh. Qua đó, thầy có thể nắm bắt, động viên và từng bước giúp các em thay đổi tư duy tích cực, khắc phục những khó khăn, cải thiện thành tích học tập.

“Lúc nhận nhiệm vụ về xã Lâm Hóa giảng dạy, cuộc sống của người dân nơi hầu như không điện, không đường, không trường học và không nước sạch. Các em học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên vào rừng cùng cha mẹ lấy măng, bắt cá... nên việc duy trì sĩ số rất khó. Có khi cả tháng tôi không về nhà, chỉ ở bản để cùng ăn, cùng ở và dạy học cho các em học sinh” - thầy Dục chia sẻ.

Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao tại các điểm trường bản Kè, bản Chuối, bản Cáo, xã Lâm Hoá, đã không ít lần thầy Dục đã phải vượt đèo, lội suối đến tận nhà vận động các em học sinh đến trường để học tập.

Đồng thời, thầy cũng không quên vận động cha mẹ học sinh khắc phục mọi khó khăn về đời sống kinh tế, nhắc nhở con em đến trường học tập đầy đủ, với hy vọng tương lai của các em sẽ ngày càng đỡ vất vả hơn.

“Thầy Dục luôn thương yêu chúng em. Ngoài lúc dạy chúng em trên lớp, nhiều buổi tối thầy còn đến nhà để kiểm tra, hướng dẫn chúng em học bài. Có nhiều bạn nghỉ học đi theo bố mẹ làm nương rẫy, thầy đều quan tâm nhắc nhở, động viên chúng em đi học đầy đủ để sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn” - em Hoàng Kim Chi, học sinh của thầy Dục chia sẻ.

gan-30-nam-gan-bo-voi-hoc-sinh-vung-cao-quang-binh-2.JPG
Gần ba thập kỷ gắn bó với mảnh đất Lâm Hóa, thầy Hoàng Xuân Dục đã giảng dạy, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh là đồng bào dân tộc Chứt nên người. Ảnh: B.T

Niềm hạnh phúc của người giáo viên

Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa hiện có gần 300 học sinh, trong đó, có gần 60% là đồng bào dân tộc Chứt. Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc học của các em đều giao phó cho giáo viên và nhà trường.

Do đó, niềm mong mỏi và hạnh phúc nhất của những người giáo viên vùng cao nơi đây cũng chỉ đơn giản là sự thay đổi về nhận thức tích cực và việc học tập của các em học sinh.

“Gắn bó với nghề giáo nhiều năm, điều khiến tôi hạnh phúc nhất có lẽ là nhận thức về việc học tập của các em học sinh đã được thay đổi rõ rệt, người dân nơi đây cũng chú trọng hơn đến việc học của con em. Việc giáo viên phải đến vận động các em học sinh đến lớp đã ngày càng ít đi, các hủ tục lạc hậu, cúng bái để chữa bệnh cho các em học sinh cũng không còn.

Đặc biệt, trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm, nhiều em học sinh dù đang học hay đã rời ghế nhà trường vẫn nhớ đến các thầy, cô giáo dù chỉ là những nhánh hoa rừng hay những bó chè tươi… đưa đến lớp để tặng và chúc mừng cũng khiến tôi thật sự xúc động” - thầy Dục tâm sự.

gan-30-nam-gan-bo-voi-hoc-sinh-vung-cao-quang-binh-2 (2).JPG
Những bó chè tươi, những bông hoa rừng được các em học sinh đưa đến lớp tặng thầy Hoàng Xuân Dục nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: B.T

Những ngày này, khắp cả nước đang tràn ngập bầu không khí mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ở những bản làng xa xôi, những người giáo viên cắm bản cũng vui mừng phấn khởi vì các thế hệ học sinh ngày càng trưởng thành.

Điều mong ước lớn nhất của các thầy, cô là các em ở đây luôn được ăn no, mặc ấm, được đến trường có con chữ để tương lai góp sức xây dựng bản làng thoát nghèo, đi lên.

Theo thầy giáo Lê Tường Duy, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa, trong những năm qua, chất lượng giáo dục của nhà trường có những chuyển biến rõ rệt.

"Tất cả giáo viên đều nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy. Đặc biệt là thầy giáo Hoàng Xuân Dục - một tấm gương điển hình, tâm huyết với đồng bào dân tộc.

Với gần 30 năm công tác tại trường, thầy Dục đã làm rất tốt công tác vận động cũng như giảng dạy, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cho các em” - thầy Duy nói.

Vừa qua, thầy Hoàng Xuân Dục vinh dự là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp tổ chức.

BẢO THIÊN