Xuất hiện nhiều bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:36, 18/11/2024
Trong bối cảnh vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng liên tục gia tăng không ngừng, Bộ TT&TT đã và đang phối hợp cùng các bộ, ngành khác triển khai quyết liệt nhiều biện pháp.
Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền luôn được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng “sức đề kháng” cho người dân.
Dưới đây là 3 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam trong tuần từ 11/11 đến 17/11, mới được Cục An toàn thông tin cảnh báo đến đông đảo người dân:
Thủ đoạn lừa đảo thẻ tín dụng, lách xác thực sinh trắc học
Theo Cục An toàn thông tin, gần đây, không gian mạng Việt Nam xuất hiện nhiều bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng. Chiêu trò của kẻ lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn.
Cụ thể, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, gọi điện lừa thông báo hoàn tiền cho người mở tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền của họ.
Song song đó, tội phạm công nghệ còn dùng các thủ đoạn để lách xác thực sinh trắc học. Nhiều người dùng bị dẫn dụ sử dụng ứng dụng giả mạo cũng trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước những cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ online; không nghe theo hướng dẫn, cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm, mã OTP, mã CVV của thẻ visa cho đối tượng lạ.
Người dùng cũng được khuyến nghị không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc; không nhập thông tin thẻ tín dụng trên các website lạ, những trang mà người dùng chưa từng giao dịch.
Giả mạo hãng hàng không để lừa bán vé máy bay dịp Tết 2025
Chiêu trò giả mạo hãng hàng không để lừa đảo bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ đã xuất hiện trên không gian mạng.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là mạo danh đại lý vé cấp 1 của hãng hàng không. Khi khách làm thủ tục mua vé, sẽ nhận được mã đặt chỗ cùng khuyến cáo thanh toán tiền gấp để không bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc.
Một số đối tượng gửi email hoặc tin nhắn thông báo khách hàng đã “trúng thưởng” hoặc nhận ưu đãi vé máy bay. Tuy nhiên, khi khách truy cập vào đường link đính kèm và cung cấp thông tin, kẻ lừa đảo sẽ lấy cắp thông tin thẻ tín dụng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo khách hàng mua vé bay qua website cần lưu ý truy cập đúng địa chỉ, liên hệ trực tiếp với tổng đài của hãng khi cần được giải đáp, hỗ trợ liên quan đến đặt chỗ, mua vé.
Người có nhu cầu mua vé cũng không nên truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc báo cáo qua hệ thống canhbao.khonggianmang.vn để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Chiếm đoạt tài sản qua chiêu trò bán thuốc online, dẫn dụ mua bảo hiểm
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo kể trên là thường hoạt động theo hội nhóm, tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc ‘thần dược’.
Những loại thuốc này có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, được quảng cáo có nhiều công dụng nhưng thực chất là các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Không những thế, nhóm đối tượng còn dẫn dụ người dân mua bảo hiểm với nhiều ưu đãi. Mới đây, do tin lời hứa hẹn giúp mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng của hai đối tượng tư vấn bán thuốc, một phụ nữ ở Thái Bình đã bị lừa hơn 200 triệu đồng.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân không tham gia các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh, bán thuốc; không mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, nếu không có đủ sự hiểu biết về bảo hiểm, người dân không nên tham gia mua bán bảo hiểm trên mạng để tránh bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.