Điểm tin Kinh doanh 17/11: Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng PNJ bật tăng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 17/11/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng PNJ bật tăng
Theo ghi nhận, chiều 16-11, giá vàng nhẫn, vàng PNJ bật tăng 300.000 - 900.000 đồng/lượng; trong khi đó, vàng SJC duy trì ổn định.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 80 triệu đồng/lượng mua vào – 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 80 triệu đồng/lượng mua vào – 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh cũng đang giao dịch ở mức 80 triệu đồng/lượng mua vào và 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu duy trì ổn định so với hôm 15/11, niêm yết lần lượt ở mức 80,3 triệu đồng/lượng mua vào và 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Phú Quý SJC cũng ổn định ở cả hai chiều, giao dịch lần lượt ở mức 80,3 triệu đồng/lượng mua vào và 83,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 80,9 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng) và bán ra ở mức 82,6 triệu đồng/lượng (tăng 700.000 đồng/lượng).
Vàng PNJ tại Hà Nội giao dịch ở mức 80,9 triệu đồng (tăng 900.000 đồng/lượng) và bán ra ở mức 82,6 triệu đồng/lượng (tăng 700.000 đồng/lượng).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn quay đầu tăng, mức tăng 300.000 - 600.000 đồng/lượng.
Theo đó, Công ty Vàng bạc Đá quý TP Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 79,5 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng 15/11.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 80,78 - 82,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 460.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 81 - 82,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng nhẫn bất ngờ tăng lại sau một tuần giảm hơn 6 triệu đồng/lượng.
- FLC, Novaland thay đổi lãnh đạo chủ chốt
Tập đoàn Novaland, Tập đoàn FLC, Công ty CP SAM Holdings, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng có biến động nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng Giám đốc, Ban kiểm soát….
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố các nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân giữ chức Phó Tổng Giám đốc NVL, kể từ ngày 15/11.
Theo Novaland, việc bổ nhiệm hai lãnh đạo cấp cao tiếp tục nằm trong kế hoạch kiện toàn bộ máy điều hành, góp phần quan trọng giúp NVL hoàn thành công cuộc chuyển đổi, tái cấu trúc và thực thi các kế hoạch, chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân là những nhân sự cấp cao đã có hơn 10 năm gắn bó với Novaland, cùng đồng hành, đóng góp những kết quả quan trọng cho quá trình phát triển của tập đoàn này, đặc biệt là trong giai đoạn tái cấu trúc.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản ở các lĩnh vực tài chính, đầu tư, quản lý chuỗi cung ứng, đấu thầu… Novaland kỳ vọng trên cương vị mới, ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân sẽ được trao quyền nhiều hơn để tiếp tục đóng góp vào sự phục hồi chung của tập đoàn.
Trước đó, Novaland đã bổ nhiệm ông Dương Văn Bắc giữ chức vụ Tổng giám đốc NVL từ ngày 1/11. Tổng Giám đốc tiền nhiệm là ông Dennis Ng Teck Yow sẽ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ của thành viên HĐQT của Novaland.
Ông Dương Văn Bắc có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, với chuyên môn và thế mạnh về định giá, hoạt động huy động vốn và đầu tư. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao trong lĩnh vực tài chính, M&A và phát triển dự án bất động sản và gia nhập Novaland từ tháng 8/2023 với vị trí Giám đốc Tài chính, sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc vào tháng 9/2024.
Theo nghị quyết đại hội cổ đông bất thường năm 2024, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã thống nhất thay 4/5 thành viên HĐQT, chỉ duy nhất ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT được giữ lại.
Cụ thể, FLC miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT gồm bà Vũ Đặng Hải Yến, bà Trần Thị Hương, ông Ngô Đặng Hoàng Anh và ông Lê Tiến Dũng. Đồng thời, miễn nhiệm 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Vân Anh và bà Nguyễn Thu Hiền. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 12/11, do các thành viên trên có đơn xin từ nhiệm.
Thay vào đó, FLC bổ nhiệm 4 thành viên HĐQT thay thế, gồm 2 Phó tổng Giám đốc là ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Nguyễn Chí Công, ông Vũ Anh Tuân - Trưởng phòng Quản lý và Khai thác tài sản, ông Đỗ Mạnh Hùng.
Còn 2 vị trí Ban kiểm soát được FLC bổ nhiệm gồm ông Bùi Phạm Minh Điệp - Trưởng ban Thanh tra và bà Trần Thị Mỹ Dung - Trợ lý Tổng Giám đốc.
- Tiền gửi tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng
Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế tiếp tục tăng mạnh và đến cuối tháng 8/2024 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, tính đến hết tháng 8/2024, lượng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự cải thiện, hết tháng 8/2024 đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tháng 7 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Nếu so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II/2024 trở lại đây (chỉ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70 nghìn tỷ đồng).
Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Lý giải việc tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng ở thời điểm hiện tại, tiền gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn so với các kênh đầu tư khác.
- Doanh nghiệp FDI đóng góp 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 438 tỷ USD, chiếm 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 240,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đạt 198,7 tỷ USD. Khối này ghi nhận xuất siêu 41 tỷ USD.
Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY), đóng góp 71% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 35 mặt hàng chính trong 10 tháng đầu năm 2024, trong đó 21 mặt hàng có kim ngạch tỷ USD, bao gồm 6 mặt hàng có giá trị trên 10 tỷ USD (chủ yếu thuộc nhóm điện tử và may mặc).
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 56,7 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện là mặt hàng đứng thứ hai với 46,3 tỷ USD, tăng 4,9% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 37,8 tỷ USD, tăng 16,2% YoY.
Hàng dệt may xuất khẩu trong kỳ đạt 18,1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 14,7 tỷ USD, tăng 10,8% YoY; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 10,1 tỷ USD, tăng 5,6% YoY.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 mặt hàng trên đạt 183,9 tỷ USD, tương ứng chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 10 tháng đầu năm 2024.
Ngoài nhóm 10 tỷ USD, doanh nghiệp FDI xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong kỳ đạt 6,11 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt 3,46 tỷ USD, giảm 3,6% YoY; sản phẩm từ chất dẻo đạt 3,37 tỷ USD, tăng 22,7% YoY; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, tăng 21,6% YoY…
Trong 35 mặt hàng xuất khẩu chính, 6 mặt hàng ghi nhận đà giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước và 29 mặt hàng có đà tăng trưởng dương. Đá quý, kim loại quý có mức giảm sâu nhất với -31,4% YoY; tiếp đến là thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 15,3% YoY; sản phẩm hóa chất giảm 10,1% YoY; thủy sản giảm 4%; sắt thép giảm 3,6% YoY và giấy, sản phẩm từ giấy giảm 0,8% YoY.
Ngược lại, cao su có mức tăng trưởng cao nhất với +64,7% so với cùng kỳ; đứng sau là hạt tiêu với +53,9% YoY; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh với +45,7% YoY…
- Hiệu ứng Donald Trump - Elon Musk đẩy cổ phiếu ngành vũ trụ bật tăng
Mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk đã giúp một số cổ phiếu ngành vũ trụ tăng mạnh, dự báo ngành này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Theo CNBC, tuần vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của các cổ phiếu trong nhóm ngành vũ trụ. Trong đó, Rocket Lab tăng 41%, Intuitive Machines tăng 28%, Spire Global tăng 26%, Planet Labs tăng 16%, Redwire tăng 15% và AST SpaceMobile tăng 10%.
Sự tăng trưởng này một phần được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh quý III khả quan và các thông tin cập nhật từ từng công ty. Chẳng hạn, Rocket Lab đạt bước tiến lớn trong dự án phát triển tên lửa Neutron hay việc Spire Global bán mảng kinh doanh hàng hải để giảm nợ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn động lực đến từ cái gọi là "thương vụ Trump - Elon" - ám chỉ mối quan hệ đặc biệt giữa tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO SpaceX Elon Musk.