Cà Mau với 200 ngày tập kết ra Bắc năm 1954

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:53, 15/11/2024

Cà Mau là một trong 3 điểm tập kết ở Nam Bộ có thời gian dài nhất với 200 ngày để đưa hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ, con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955.

Hội thảo "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và lịch sử" dưới sự chủ trì của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Cà Mau, diễn ra ngày 15/11. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954-2024).

Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh sự kiện này đã đi vào lịch sử, ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 2 miền Nam - Bắc.

Bà Mai đánh giá cao mục đích, nội dung của hội thảo, có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với Cà Mau mà còn cả nước. Thông qua hội thảo để tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi lắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo tư liệu lịch sử, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và mở ra giai đoạn mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Để kịp thời ứng phó với sự biến đổi của tình hình mới, Trung ương Ðảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định mang tầm chiến lược. Đó là đưa một số đồng bào, chiến sĩ, con em cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc để học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.

Cà Mau là một trong 3 địa phương được chọn làm điểm tập kết ở Nam Bộ, với 200 ngày (tháng 7/1954-tháng 2/1955). Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam Bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc tập kết tại Cà Mau.

Cà Mau với 200 ngày tập kết ra Bắc năm 1954 - 1

Nhân dân Cà Mau mít tinh mừng thắng lợi của Hiệp định Geneve và tiễn đưa bộ đội tập kết ra Bắc (Ảnh tư liệu: Ban tổ chức).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho biết Cà Mau là tâm điểm tập kết, có thời gian dài nhất. Trong thời gian 200 ngày tập kết, hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

"70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện tập kết, chuyển các lực lượng của ta ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử", Bí thư Cà Mau nhấn mạnh.

Cà Mau với 200 ngày tập kết ra Bắc năm 1954 - 2

Chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (Ảnh tư liệu: Ban tổ chức).

Ông Nguyễn Ngọc Túy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh vinh dự được Trung ương tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng với Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), tỉnh đã đón tiếp 7 đợt, 45 chuyến tàu, với hàng chục nghìn cán bộ, bộ đội, thương binh, học sinh và gia đình cán bộ. Sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo và tình cảm đằm thắm, ruột thịt của đồng bào Thanh Hóa đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc, tiếp thêm nghị lực để phấn đấu học tập, lao động và cống hiến.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Huỳnh Đảm (quê tỉnh Cà Mau), nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng thắng lợi của cuộc tập kết chuyển quân từ Nam ra Bắc đó là niềm tin của nhân dân đối với Bác Hồ và của Bác Hồ đối với nhân dân.

"Lòng dân, tình cảm của nhân dân, đồng bào miền Nam đối với Bác. Hình ảnh của đã nói lên điều đó", ông Huỳnh Đảm bày tỏ.

Cà Mau với 200 ngày tập kết ra Bắc năm 1954 - 3

Ông Dương Thanh Toàn, một trong những người ở Cà Mau tập kết ra Bắc năm 1954 (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ông Dương Thanh Toàn (92 tuổi, quê huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) tham gia quân đội từ tháng 3/1949. Tháng 11/1954, ông được lệnh của cấp trên xuống tàu ra Bắc.

Ông kể, ông cùng với nhiều người khác tập kết ra tới tỉnh Thanh Hóa ngày 16/11/1954. Cán bộ và đồng bào ở đây đón tiếp rất trọng thể, có cả băng cờ, biểu ngữ và hô khẩu hiệu vang động cả một vùng.

Trong thời gian này, đồng bào miền Bắc đang khó khăn về lương thực nhưng vẫn lo những bữa cơm cho bộ đội và cán bộ miền Nam được đầy đủ. Đồng bào Thanh Hóa còn nhường chỗ ngủ, sinh hoạt tốt nhất trong gia đình về đêm.

"Không thể kể hết nỗi vui mừng giữa miền Nam và miền Bắc gặp nhau. Tôi nghĩ rằng chỉ có sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Bắc - Nam mới có sự đoàn kết thống nhất", ông Toàn khẳng định.

Huỳnh Hải