Quân sự thế giới hôm nay (14-11): Máy bay chiến đấu Su-57E phô diễn sức mạnh
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:57, 14/11/2024
* Máy bay chiến đấu Su-57E phô diễn sức mạnh tại Trung Quốc
Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024, triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc, Nga đã trình làng Su-57E - phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57.
Được thiết kế riêng cho thị trường quốc tế, Su-57E đã có màn phô diễn sức mạnh ấn tượng tại triển lãm này.
Máy bay chiến đấu Su-57E của Nga đã có màn trình diễn ấn tượng tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2024 ở Trung Quốc. Ảnh: China Social Network |
Su-57E là sự kết hợp giữa khả năng tàng hình, tính cơ động cao và hỏa lực mạnh, có thể triển khai trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Với trọng lượng cất cánh tối đa là 34 tấn, Su-57E được phân loại là máy bay chiến đấu hạng nặng, được tối ưu hóa cho nhiều hoạt động không đối không, trên bộ cũng như trên biển.
Các tính năng tàng hình của Su-57E cho phép chiến đấu cơ này xâm nhập vào các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt và tấn công các mục tiêu. Đây là đặc điểm khiến Su-57E trở thành một vũ khí mạnh cho các nhiệm vụ tấn công và thu thập thông tin tình báo trong các môi trường có tranh chấp.
Su-57E có thể đạt tốc độ tối đa 1.350km/giờ và phạm vi bay lên tới 7.800km và có thể tiếp nhiên liệu trên không. Máy bay có tính cơ động cao nhờ công nghệ vectơ lực đẩy tiên tiến, cho phép thực hiện các chiến thuật di chuyển trên không phức tạp, điều này rất quan trọng đối với không chiến tầm gần. Khả năng cơ động cao cùng khả năng bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng chức năng “đốt sau” mang lại cho Su-57E sự linh hoạt về mặt chiến thuật, cho phép tiếp cận các mục tiêu ở xa một cách hiệu quả và tránh được sự tấn công từ hệ thống phòng thủ của đối phương ở độ cao thấp hơn.
Su-57E có 12 điểm treo vũ khí, bao gồm 6 điểm bên trong máy bay giúp duy trì cấu hình tàng hình. Tiêm kích này có thể mang theo tên lửa không đối không, bom và đạn dẫn đường chính xác. Hệ thống điều khiển vũ khí đa kênh của máy bay có thể thích ứng với nhiều cấu hình nhiệm vụ khác nhau, tạo điều kiện chuyển đổi linh hoạt giữa các tình huống giao tranh khác nhau.
Tự động hóa cũng là một tính năng nổi bật của Su-57E. Các hệ thống tự động tiên tiến giúp giảm tải áp lực cho phi công, cho phép quản lý nhiệm vụ hiệu quả và thích ứng nhanh với các tình huống chiến đấu phức tạp.
* Peru mua xe bọc thép K808 White Tiger của Hàn Quốc
Mới đây, chính phủ Peru đã xác nhận mua 30 xe bọc thép lội nước K808 White Tiger của nhà sản xuất Hàn Quốc Hyundai Rotem để trang bị cho quân đội nước này.
Việc Peru mua xe bọc thép K808 của Hàn Quốc đánh dấu lần đầu tiên Hyundai Rotem xuất khẩu phương tiện này ra thị trường nước ngoài. Ảnh: Army Recognition |
K808 White Tiger, hay còn gọi là Baekho ở Hàn Quốc, là một loại xe bọc thép được chế tạo chủ yếu cho Quân đội Hàn Quốc sử dụng trên địa hình khó khăn và các hoạt động trên chiến trường. Xe có cấu hình 8x8 giúp tăng cường khả năng cơ động và hệ thống bơm lốp trung tâm (CTIS) lắp đặt trên xe giúp điều chỉnh áp suất lốp theo địa hình. Điều này rất cần thiết khi vượt sông và di chuyển trên địa hình không bằng phẳng.
Với cấu hình mô-đun, K808 có thể tùy chỉnh cho các nhiệm vụ khác nhau và tương thích với nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm trạm vũ khí điều khiển từ xa 12,7mm hoặc 30mm.
Tại Hàn Quốc, hơn 500 đơn vị K808 đã được chuyển giao cho Quân đội để sử dụng cho các nhiệm vụ vận tải và trinh sát. Việc Peru mua xe bọc thép này đánh dấu lần đầu tiên Hyundai Rotem xuất khẩu K808 ra nước ngoài và đưa phương tiện này vào thị trường quốc phòng Mỹ Latinh.
* Tàu ngầm lớp Dolphin-II INS Drakon gia nhập Hải quân Israel
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa ra mắt tàu ngầm mới có tên gọi INS Drakon ra tại xưởng đóng tàu Kiel ở Đức.
Tàu ngầm lớp Dolphin-II INS Drakon của Israel. Ảnh: Israeli MoD |
Đây là tàu ngầm lớp Dolphin II sử dụng công nghệ AIP (động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí từ bên ngoài) được thiết kế như một vũ khí chiến lược của Israel. Tàu ngầm này dự kiến sẽ gia nhập Hải quân Israel vào năm 2025.
So với các tàu tiền nhiệm, INS Drakon có kích thước lớn hơn, với chiều dài khoảng 68,6m và có lượng giãn nước khoảng 2.400 tấn khi lặn. Sự gia tăng kích thước phù hợp với hệ thống AIP, cho phép tàu có thể lặn trong thời gian dài mà không cần nổi lên mặt nước, do đó tăng cường khả năng tàng hình và sức bền hoạt động của tàu.
Hệ thống đẩy kết hợp cơ chế điện-diesel truyền thống cùng công nghệ AIP cho phép tàu nâng cao khả năng chịu đựng dưới nước và giảm tiếng ồn khi hoạt động. INS Drakon có thể đạt vận tốc tối đa 46km/giờ và có thể hoạt động ở độ sâu 350m.
Lớp Dolphin-II được trang bị 10 ống phóng ngư lôi: 6 ống tiêu chuẩn 533mm và 4 ống 650 mm. Cấu hình này cho phép tàu triển khai nhiều loại vũ khí, bao gồm ngư lôi dẫn đường bằng dây DM-2A4 Seehake và tên lửa chống hạm UGM-84C Harpoon. Các ống lớn hơn cũng được cho là có khả năng phóng tên lửa hành trình SLCM.
Hai tàu ngầm Dolphin-II đầu tiên, INS Tanin và INS Rahav, được hạ thủy vào năm 2012 và 2013 và đưa vào hoạt động lần lượt vào năm 2014 và 2016. Tàu ngầm thứ 3, INS Drakon, được hạ thủy vào năm 2017 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.