Elon Musk hứa chống lãng phí bằng 'bảng xếp hạng' hiệu suất của chính phủ Mỹ
Tin thế giới - Ngày đăng : 18:10, 13/11/2024
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố thành lập cơ quan tạm thời, gọi là "Bộ phận Quản lý Hiệu quả chính phủ" (Department of Government Efficiency - DOGE), hay "Bộ Hiệu quả Chính phủ", sẽ do Elon Musk và một doanh nhân/chính trị gia khác, Vivek Ramaswamy đứng đầu.
Cơ quan này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của chính phủ liên bang, loại bỏ các khoản chi tiêu lãng phí và hợp lý hóa các hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn trong các dịch vụ công.
Sau thông tin được bổ nhiệm, ông Elon Musk có những phản ứng đầu tiên nêu ra kế hoạch tương lai của ông cho cơ quan chống lãng phí. Tại DOGE sẽ thành lập và duy trì một "bảng xếp hạng" về chi tiêu lãng phí của chính phủ, mà Musk tin rằng sẽ "vừa cực kỳ thảm khốc vừa giải trí".
Ông trùm xe điện cũng cho biết sẽ đăng tải mọi hoạt động của cơ quan lên mạng xã hội để đảm bảo tính minh bạch. "Tất cả các hành động của Bộ Hiệu quả Chính phủ sẽ được đăng trực tuyến để minh bạch tối đa. Bất cứ khi nào công chúng nghĩ rằng chúng tôi đang cắt giảm một thứ gì đó quan trọng hoặc chưa cắt giảm một thứ gì đó lãng phí, hãy cho chúng tôi biết!"
Ông chủ Tesla bày tỏ thêm: "Nhiều người đang lợi dụng chính phủ sẽ tức giận về điều này... Tôi cần rất nhiều sự bảo vệ. Nhưng điều đó phải được thực hiện, nếu không, chúng ta sẽ phá sản".
Musk coi cơ quan chống lãng phí là con đường giải quyết tình trạng tài chính không bền vững đang diễn ra ở nước Mỹ. "Ngân sách quốc phòng của chúng ta đang khá khổng lồ. Một nghìn tỷ USD. Nhưng lãi suất mà chúng ta nợ hiện còn cao hơn ngân sách quốc phòng. Điều này không bền vững chút nào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần Bộ Hiệu quả Chính phủ".
Musk cũng cho biết sẽ có chương trình cải cách kéo dài 100 ngày, tập trung vào các giải pháp tiết kiệm chi phí.
Đầu tiên, các cơ quan liên bang sẽ được chỉ đạo thực hiện khuyến nghị từ các cơ quan giám sát như Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ (GAO) và Tổng Thanh tra. Các khuyến nghị này dự kiến có thể giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm được hơn 200 tỷ USD. Thứ hai, chính quyền cũng có kế hoạch đệ trình một gói cải cách lên quốc hội nhằm bổ sung các khuyến nghị cần sự hỗ trợ của cơ quan lập pháp.
Tiếp đến, ông Musk và ông Trump đặt mục tiêu khôi phục quy tắc "một vào, hai ra" đối với các quy định: Ban hành một quy định mới đồng nghĩa với xác định và xóa bỏ hai quy định cũ. Hai người cũng theo đuổi việc hài hòa hóa các quy định và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các chương trình cắt giảm lãng phí. Một "sáng kiến dọn dẹp quy định" của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh từng được đưa ra vào năm 2020, cũng sẽ tiếp tục tận dụng AI để xác định các lĩnh vực cần cắt giảm quy định.
Tóm lại, tầm nhìn của Musk đối với DOGE là khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tiền thuế của dân, bằng cách kiểm soát các khoản chi tiêu quá mức. Ông tuyên bố "tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ đều là từ thuế mà ra".