Thực phẩm chức năng sản xuất bằng xô chậu quảng cáo như thần dược

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:45, 12/11/2024

Thông điệp quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) hệt những quả bom dội vào nhận thức của người tiêu dùng như: “Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền"; "Đánh bay đái tháo đường type 1, type 2"; "Dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, gia truyền”… Trên thực tế, không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế.
Thực phẩm chức năng sản xuất bằng xô chậu quảng cáo như thần dược
Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng. Ảnh: Ngọc Lê

"Thổi phồng" công dụng

Ghé một cửa hàng bán thực phẩm chức năng ở quận 1, TPHCM để tham khảo các sản phẩm tốt cho não, chị Lê Anh Thư, sống tại TP Thủ Đức được nhân viên tư vấn giới thiệu cho một hãng từ Australia với mức giá 530.000 đồng/lọ 100 viên.

“Nhân viên giới thiệu đây là loại bán chạy nhất tốt cho não. Tuy nhiên, sau khi mua về tôi cũng uống đều đặn nhưng không thấy có kết quả như quảng cáo” - chị Anh Thư chia sẻ.

Đặc biệt, các loại thuốc tăng cơ bắp dưới dạng thuốc uống, tiêm hay thực phẩm chức năng đang được thần thánh hóa bằng những lời quảng cáo với công dụng “thần kỳ” tăng cơ bắp mà không cần tập luyện. Nhiều người đã tin tưởng mua về dùng mà không biết thực hư công dụng.

Hay trên mạng còn truyền tai nhau bút tiêm giảm cân, có thể giảm tới 15kg trong 6 tháng. Với giá thành không hề rẻ từ 3,8 đến 4,5 triệu đồng/bút. Theo thông tin người bán hàng, bút tiêm giảm cân Spcell GLP - 1 Semaglutide với vỏ ngoài giống hệt bút tiêm tiểu đường và được người bán thần thánh hóa là “thần dược” giảm cân. Muốn giảm 3 - 4kg tiêm 2 bút; 6 - 8kg tiêm 4 bút; 10 - 15kg tiêm 8 bút…

Trao đổi với Lao Động, BS Lâm Văn Hoàng - Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết: “Các loại bút tiêm hay thực phẩm chức năng quảng cáo giảm cân bán trôi nổi không đáng tin cậy và khuyến cáo người dân không nên tin và tự ý mua sử dụng. Mọi người nên lựa chọn cách giảm cân hay tăng cường thể hình bằng hình thức lành mạnh, khoa học như kết hợp ăn uống và tập luyện điều độ hàng ngày, vừa tốt cho sức khỏe lại duy trì được vóc dáng. Không nên tin dùng các sản phẩm “thần tốc” đốt cháy quá trình để đạt được mục tiêu làm đẹp.

Thực phẩm chức năng sản xuất bằng công nghệ xô, chậu

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, có sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng, nhưng sản xuất bằng "công nghệ xô, chậu" là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong. Đa số thực phẩm chức năng được bán ở các nhà thuốc, tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm quảng cáo quá sự thật, coi thực phẩm chức năng như là thuốc điều trị bệnh.

Quy định trong phân phối, kinh doanh thực phẩm chức năng bán trong nhà thuốc, phải có khu vực riêng. Tuy nhiên, chưa có điều khoản, quy định cấm bán thực phẩm chức năng trong chợ, trên sàn thương mại điện tử. Do đó, khó đảm bảo được việc người dân không nhầm lẫn với thuốc.

“Một vấn đề khó khăn trong xử lý sai phạm là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng chỉ là văn phòng đại diện. Một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế trong việc liên hệ với chủ cơ sở” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - bức xúc: Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức: Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng, khi bị cơ quan chức năng "sờ gáy", nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên trang website đó mình đang quảng cáo.

Nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo như dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...Trước tình trạng này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chỉ ra rằng, có tới 80% quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là trá hình thực phẩm chức năng.

Nhóm PV