Em chồng hay xét nét bắt lỗi chị dâu
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 07:27, 12/11/2024
Trong giao tiếp, cô ấy chỉ gọi tôi là "bác" thay con, hoặc gọi rất xách mé là "vợ anh Đà" (tên chồng tôi). Tôi biết rõ điều ấy nhưng không tự ái hay chấp trách. Vì tôi nghĩ, cô ấy dù sao cũng đã đi lấy chồng, có để ý tôi thì cũng chỉ năm họa mười thì chứ có phải chung sống hàng ngày với nhau đâu mà giận dỗi cho mệt người.
Phần tôi, tôi cứ sống đúng con người thật của mình, thực lòng yêu thương, vun vén cho gia đình nhà chồng thì chẳng có gì hổ thẹn.
Nhà chồng tôi chỉ có 2 anh em, đất ở của bố mẹ chồng khá rộng nên bố mẹ chia cho con gái 1/3 diện tích làm "của dắt lưng". Còn lại, vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng, sau này có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà.
Đất chia cho em chồng được sang tên sổ đỏ cho cô ấy, nên sau này cần tiền làm ăn, vợ chồng cô quyết định rao bán phần đất của mình. Bố mẹ chồng tôi buồn lắm nhưng đất đã sang tên cho cô ấy, làm sao cản được. Vì chuyện này mà bố mẹ chồng tôi phát ốm.
Hiểu nỗi lòng bố mẹ chồng, cảm thấy có lỗi nếu để đất hương hỏa cha ông rơi vào tay người ngoài, vợ chồng tôi gom góp, vay mượn để mua lại phần đất của em chồng.
Về làm dâu nhà chồng hơn chục năm, dần dà, em chồng đã hiểu tôi hơn nên không còn thái độ kẻ cả như lúc đầu. Cô ấy đã một điều "chị ơi", hai điều "chị à", thể hiện sự tôn trọng với chị dâu. Tôi mừng vì sự chân thành của mình đã cải thiện được mối quan hệ chị dâu - em chồng theo chiều hướng tích cực.
Nhà cách 5km mà gần 2 tháng nay không thấy em chồng ghé về thăm bố mẹ. Lần nào tôi gọi điện thoại cũng thấy cô ấy nói bận, có bận giọng lạc đi, như người đang ốm. Nóng ruột, tôi chạy qua thăm, chị em tỉ tê chuyện trò tôi mới biết, cô ấy đang đứng trước bờ vực đổ vỡ hôn nhân.
Cô ấy không chịu ký vào đơn ly hôn thì bị chồng bạo hành. Thì ra bấy lâu, chồng cô ấy có bồ mà cô ấy không biết, vẫn giao toàn bộ vốn liếng cho chồng làm ăn. Giờ hai người đó muốn đến với nhau nên ép cô phải ly hôn.
Khổ nỗi, cô ấy chấp nhận ly hôn thì không những trắng tay vì sổ đỏ ngôi nhà đang "cắm" nợ ngân hàng mà còn cõng thêm một đống nợ sẽ "bị chia" từ chồng. "Chị ơi, mẹ con em sắp phải ra đường, em biết làm sao bây giờ?" - bị dồn vào đường cùng, cô ấy suy sụp.
Tôi bàn với chồng, tạm thời dựng căn nhà nhỏ cấp 4 trên phần đất trước đây mua lại của em chồng chưa sử dụng cho mẹ con cô ấy ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn. Sau khi thưa chuyện với bố mẹ chồng và thống nhất với chồng, chúng tôi gọi cô ấy về trao đổi kế hoạch của cả nhà.
Trước bố mẹ chồng và chồng tôi, em chồng nghẹn ngào nói: "Sao chị đối tốt với em thế? Em đã từng đối xử chẳng ra gì với chị, còn bán cả đất bố mẹ cho. Sao chị không trách mắng em, còn bao bọc mẹ con em? Em không dám nói, gắng chịu đựng một mình bấy lâu vì em sợ nói ra, chị lại khinh em là cứ khôn ngoan lắm rồi ngang trái nhiều…".
Tôi nhẹ nhàng an ủi cô ấy: "Nếu chỉ nhân cơ hội để trả đũa nhau thì đâu phải là tình thân nữa. Trước khi chị về làm dâu thì cả tuổi thơ của cô từng gắn bó với mảnh đất này, ngôi nhà này. Giờ trong hoàn cảnh này, mẹ con em cứ ở đây, sau này bọn trẻ lớn lên, trưởng thành hẵng hay". Em chồng nức nở như một đứa trẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam