Khỉ xổng từ phòng thí nghiệm có thể gây dịch bệnh cho người hay không?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 22:11, 11/11/2024

Nhiều loài khỉ được nuôi nhốt trong phòng thí nghiệm để thực hiện các nghiên cứu về y sinh. Những cá thể khỉ này thoát ra khỏi phòng thí nghiệm liệu có gây nguy hiểm cho con người hay không?

Có thể lây bệnh truyền nhiễm

Cuối tuần trước, chính quyền bang Nam Carolina đã cảnh báo cư dân toàn bang khóa chặt cửa sổ và cửa ra vào, sau khi 43 con khỉ trốn thoát khỏi một phòng thí nghiệm thuộc sở hữu của công ty công nghệ sinh học Alpha Genesis, đặt tại thị trấn Yemassee.

Công ty Alpha Genesis đang sử dụng khỉ vàng và các loài linh trưởng không phải người để nghiên cứu về các rối loạn não và một số tình trạng bệnh liên quan đến các loài linh trưởng…

Việc những con khỉ trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm đã khiến người dân tại bang Nam Carolina lo ngại vì cho rằng những con khỉ này có thể mang mầm bệnh nguy hiểm cho con người hoặc đã có những đột biến trong quá trình nghiên cứu.

Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn hài hước cho rằng việc những con khỉ trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm sẽ giống với kịch bản của bộ phim khoa học viễn tưởng "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ".

Tuy nhiên, đại diện của Alpha Genesis cho biết những con khỉ bị xổng chuồng đều còn nhỏ và chỉ đang được nuôi nhốt để làm quen với môi trường chứ chưa được mang ra để làm thí nghiệm. Do vậy, những con khỉ này không có nguy cơ gây nguy hiểm hoặc truyền dịch bệnh cho con người.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Alpha Genesis để xổng khỉ trong phòng thí nghiệm ra môi trường.

8 năm trước, 19 cá thể linh trưởng cũng đã trốn thoát khỏi một phòng nghiên cứu của Alpha Genesis ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina. Tất cả số linh trưởng này đã bị bắt lại chỉ sau khoảng 6 tiếng đồng hồ.

"Cứ vài năm, chúng tôi lại để cho một hoặc hai con khỉ trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm, nhưng chưa bao giờ có nhiều con khỉ cùng trốn thoát như lần này", Greg Westergaard cho biết.

Năm ngoái, một chiếc xe tải chở 100 cá thể linh trưởng sử dụng trong phòng thí nghiệm gặp nạn tại bang Pennsylvania, khiến hàng chục con khỉ trốn thoát ra ngoài môi trường. Số lượng khỉ này sau đó đều đã được tìm thấy.

Khỉ xổng từ phòng thí nghiệm có thể gây dịch bệnh cho người hay không? - 1

Khỉ thường được sử dụng để nghiên cứu về các bệnh liên quan đến não và hành vi trong phòng thí nghiệm (Ảnh: CBS).

Các nhà khoa học cho biết khỉ thường được sử dụng để phục vụ các nghiên cứu liên quan đến các phản xạ, hành vi hoặc thử các loại thuốc… chứ không dùng để nghiên cứu về các loài virus truyền nhiễm hay gây bệnh, do vậy khỉ thoát ra khỏi phòng thí nghiệm không có khả năng lây truyền dịch bệnh.

Dù vậy, các loài linh trưởng nói chung đều có thể mang những mầm bệnh truyền qua cho con người, chẳng hạn như bệnh dại.

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không tiếp xúc với khỉ hoang dã hoặc khỉ không rõ nguồn gốc, tránh trường hợp bị nhiễm bệnh hoặc bị khỉ tấn công.

Chưa tìm thấy hết số khỉ trốn thoát

Truy lùng khỉ xổng chuồng tại bang Nam Carolina

Trở lại vụ việc 43 con khỉ "đào ngục", Alpha Genesis và cơ quan chức năng đã phải lắp đặt bẫy và sử dụng camera cảm biến nhiệt để cố gắng bắt giữ những con khỉ đã trốn thoát.

"Nhân viên Alpha Genesis đang cố gắng dùng thức ăn để dụ những con khỉ quay trở lại và bắt giữ chúng", cảnh sát cho biết.

"Cư dân được khuyến cáo nên giữ cửa ra vào và cửa sổ đóng kín để ngăn những con khỉ vào nhà".

Khỉ xổng từ phòng thí nghiệm có thể gây dịch bệnh cho người hay không? - 2

Nhiều con khỉ thoát ra từ phòng thí nghiệm vẫn chưa bị bắt giữ khiến người dân lo ngại (Ảnh minh họa: Getty).

Greg Westergaard, CEO của Alpha Genesis, cho biết một người chăm sóc đã quên không khóa cửa khu vực nuôi nhốt khỉ dùng làm thí nghiệm, giúp chúng có cơ hội trốn thoát ra ngoài.

"Một con khỉ đã trốn thoát và những con khác cũng đã trốn đi theo", Greg Westergaard chia sẻ. "Đó là khu vực nuôi của 50 con khỉ, nhưng 7 con đã ở lại".

Tính đến ngày hôm qua, 25 con khỉ đã bị bắt giữ nhưng 18 con vẫn chưa được tìm thấy.

Những con khỉ bị xổng chuồng là loài khỉ vàng, còn được gọi là khỉ nâu, khỉ rhesus… có tên khoa học Macaca mulatta. Đây là loài khỉ được phân bố rộng khắp châu Á, từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đến Việt Nam…

Khỉ vàng thường sống trong nhiều môi trường khác nhau, từ rừng nhiệt đới, đồng cỏ, các khu du lịch sinh thái hay cả khu vực con người sinh sống…

Đây là loài khỉ có khả năng thích nghi môi trường sống rất tốt nhờ khả năng sinh sản mạnh mẽ, bản tính tò mò, hiếu động và thích khám phá. Loài khỉ này có kích thước trung bình, khi trưởng thành nặng từ 5 đến 12kg. Chế độ ăn của loài khỉ này bao gồm các loại trái cây, hạt, vỏ cây, côn trùng và các loài động vật nhỏ…

Khỉ vàng được nhập khẩu vào Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước để phục vụ cho công tác nghiên cứu y sinh trong phòng thí nghiệm.

T.Thủy