Máy bay B-21 Raider - "Lỗ đen" ngân sách mới của Lầu Năm Góc?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 17:02, 10/11/2024

Sau nhiều trì hoãn, tới cuối năm 2024, Không quân Mỹ đã lên kế hoạch ký hợp đồng mua lô máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đầu tiên với hãng chế tạo Northrop Grumman.

Tuy nhiên, kể cả tới thời điểm hiện tại, thời điểm chuyển giao các máy bay B-21 đầu tiên vẫn chưa được xác định và giá thành của dòng máy bay ném bom tầm xa này đã tăng khoảng gấp hai lần so với dự kiến ban đầu.

Bộ mặt mới của không quân chiến lược Mỹ cho tới giữa thế kỷ XXI

Mỹ quyết định phát triển máy bay ném bom tầm xa tàng hình tương lai vào năm 2014. Dự án được giao cho hãng chế tạo Northrop Grumman, đơn vị đã phát triển máy bay ném bom tàng hình trứ danh B-2 Spirit của Không quân Mỹ.

B-21 Raider có thiết kế khí động học cánh bay và hình dáng tương tự như máy bay ném bom tàng hình B-2. Tuy nhiên, B-21 có kích thước nhỏ gọn hơn với sải cánh dài 45m. Đặc điểm chi tiết về kỹ-chiến thuật và quá trình thử nghiệm máy bay ném bom tàng hình mới không được tiết lộ. Nhưng các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, máy bay ném bom mới có thể đạt tốc độ bay cận âm, Mach 0,8 và mang khoảng 9 tấn vũ khí với các loại tên lửa hành trình JASSM-ER và bom hạt nhân chính xác cao B-61-12 của Mỹ.

B-21 Raider được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay của Mỹ. Ảnh: Defense News 

B-21 được thiết kế có khả năng tàng hình và được tin rằng có khả năng “đối phó hiệu quả” với tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại S-400 Triumph của Nga. Ngoài ra, máy bay được thiết kế dạng module mở để dễ dàng sửa chữa và nâng cấp trong tương lai. Điểm đặc biệt của B-21 là tích hợp vào mạng thông tin chỉ huy và điều khiển đa miền hợp nhất (JADC2) và hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến. B-21 được kỳ vọng sẽ là xương sống của không quân chiến lược Mỹ cho tới giữa thế kỷ XXI.

Giá thành tăng gấp đôi và chưa có dấu hiệu dừng lại

Kế hoạch ban đầu của Không quân Mỹ là mua 80-100 máy bay B-21 với chi phí 550 triệu USD mỗi chiếc và tùy chọn tăng hợp đồng lên 175-200 máy bay. Tuy nhiên, quá trình phát triển và thử nghiệm B-21 đã phát sinh vấn đề khiến giá thành máy bay tăng lên 670 triệu USD vào năm 2019 và con số này hiện tại đã lên tới gần 1 tỷ USD, gần tương đương với máy bay B-2 Spirit.

Giá thành tăng gấp đôi của B-21 đang khiến Lầu Năm Góc phải tính toán lại kế hoạch mua sắm máy bay ném bom chiến lược mới. Ảnh: The National Interest 

Trong bài viết đăng tải hồi tháng 8-2024 trên The National Interest đánh giá, nhu cầu của Lầu Năm Góc về 200 máy bay ném bom B-21 là bất khả thi. Dù không được áp dụng các công nghệ mang tính đột phá, nhưng giá thành máy bay đã tăng quá dự trù ngân sách phát triển và còn tồn tại hàng loạt vấn đề về độ tin cậy của công nghệ được ứng dụng trên B-21. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ nhận được tối đa 20-30 máy bay B-21 mới và con số này là không đủ để thay thế cho các phi đội máy bay ném bom tầm xa đã lỗi thời của Mỹ.

Vài chục chiếc B-21 Raider khó có thể đáp ứng khả năng sẵn sàng chiến đấu từ mức cục bộ cho tới chiến tranh toàn diện của Quân đội Mỹ. Kết hợp với 20 máy bay B-2 Spirit hiện có và việc loại biên hàng loạt máy bay B-1B Lancer và B-52H Stratofortress sẽ khiến năng lực răn đe chiến lược đường không của Mỹ suy yếu.

“Vấn nạn” đội giá vũ khí chiến lược

Các thành phần khác của bộ ba hạt nhân Mỹ hiện tại đang phải đối mặt với việc tăng chi phí vượt kế hoạch tới mức phi lý. Trong tháng 9-2024, đợt kiểm toán độc lập cho thấy Hải quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc kiềm chế sự gia tăng chi phí của dự án tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Columbia. Chi phí tăng gấp 6 lần ước tính của tổng thầu và gấp 5 lần ước tính của Hải quân. Giá của chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được đặt ký vào ngày 4-6-2022 đã vượt quá 10 tỷ USD. Giá tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ đang gần tiếp cận với giá của chiếc tàu sân bay Gerald Ford thuộc lớp cùng tên với mức chi phí 13 tỷ USD.

Việc đội chi phí dự án lên gấp nhiều lần đang là vấn nạn của nhiều dự án vũ khí chiến lược và phi chiến lược của Quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Defens News 

Theo kết quả đánh giá, Lầu Năm Góc khuyến nghị Hải quân Mỹ chỉ đạo nhà thầu chính General Dynamics Electric Boat xem xét chi phí và xác định xem quỹ ngân sách có được phân bổ hiệu quả hay không. Tất cả điều này có khả năng làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Hải quân Mỹ dự định sẽ nhận chiếc tàu ngầm lớp Colombia đầu tiên vào năm 2028, nhưng kế hoạch này có thể chậm lại vài năm.

Vấn đề tương tự cũng phát sinh với hệ thống vũ khí hạt nhân mặt đất. Trung tuần tháng 7-2024, Lầu Năm Góc thông báo việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) LGM-34 Sentinel đầy hứa hẹn đang bị trì hoãn do chi phí vượt quá cao so với chi phí ước tính. ICBM mới dự kiến sẽ được đưa vào biên chế chiến đấu vào năm 2030, nhưng thời hạn rất có thể sẽ chậm hơn khoảng 5 năm. Điều này khiến năng lực của hệ thống ICBM Mỹ lạc hậu hơn đáng kể so với Nga khi Moscow đã đưa vào trang bị các loại ICBM thế hệ mới như RS-24 Yars và RS-28 Sarmat.

TUẤN SƠN (tổng hợp)