Kỳ vọng về lớp tàu chiến chung
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 11:24, 10/11/2024
Defense News cho hay, trong khuôn khổ Triển lãm vũ khí hải quân quốc tế Euronaval vừa diễn ra tại Pháp, các quốc gia EU đã nhất trí khởi động kế hoạch hợp tác nghiên cứu một loại tàu mặt nước có thể đi vào biên chế vào khoảng những năm 2040. Dự kiến, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 19-11 tới, bộ trưởng quốc phòng các nước sẽ ký ý định thư về dự án này, qua đó tạo tiền đề cho các bên xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện hợp tác.
“Ước tính các nước tham gia dự án sẽ cần khoảng 30 tàu chiến loại mới, trong khi ngân sách dành cho toàn bộ chương trình này có thể vượt quá 22 tỷ USD theo tỷ giá năm 2024”, Defense News dẫn lời ông Jurgen Scraback, Trưởng phòng phụ trách các vấn đề hàng hải tại Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA). Theo quan chức EDA, bộ trưởng quốc phòng EU đã ủy quyền cho cơ quan này đưa ra những phần việc và đề xuất cụ thể cho dự án để các nước trao đổi, thảo luận trong cuộc họp tới.
Mặc dù còn chưa hề có phác thảo trên giấy, nhưng thế hệ tàu chiến chung của châu Âu trong tương lai được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt hạm đội tàu mặt nước nói riêng và năng lực tác chiến của hải quân các nước.
Tàu hộ vệ FS Normandie (D651) của hải quân Pháp thuộc lớp FREMM. Ảnh: Seaforces |
Theo chuyên gia Fernando Garcia đến từ Hiệp hội công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ châu Âu (ASD), viễn cảnh tác chiến trên biển đang thay đổi rất nhiều, nên tàu chiến của châu Âu cũng cần thích ứng. Đơn cử, những thay đổi về thiết kế sẽ bao gồm khả năng trở thành “tàu mẹ” để mang máy bay không người lái (UAV), xuồng không người lái (USV) và tàu lặn không người lái (AUV). Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Ignacio Cuartero, người đứng đầu cơ quan lập kế hoạch và phát triển năng lực (CON/CAP) tại Bộ tham mưu quân sự thuộc Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) lưu ý rằng tàu chiến tương lai cần có kích thước nhỏ gọn song phải được “trang bị tận răng” để chống lại các mối đe dọa bao gồm từ UAV cho đến tên lửa chống hạm siêu thanh.
Defense News cho biết, các nước thành viên EU cũng đề xuất phát triển tàu với lượng giãn nước từ 8.000 tấn trở lên, dựa trên các yếu tố như phương pháp đóng tàu theo module và khả năng trang bị nhiều hệ thống không người lái với kích cỡ khác nhau. Đặc biệt, thiết kế module cho phép các nước trong một khoảng thời gian ngắn có thể thay đổi được trang bị kỹ thuật cũng như vũ khí cho tàu, tùy vào từng nhiệm vụ cụ thể. Hiện một số tàu chiến hiện đại trong hải quân các quốc gia EU như lớp tàu hộ vệ Belharra của Pháp có lượng giãn nước 4.500 tấn, lớp tàu hộ vệ FREMM của Pháp-Italy là 6.000 tấn hay lớp tàu khu trục F126 của Đức lên tới 10.000 tấn.
Bên cạnh khả năng đáp ứng cho các lĩnh vực chiến tranh truyền thống, các chuyên gia quân sự khuyến nghị EU cần các tàu có khả năng ứng phó với kịch bản tác chiến đa dạng, từ trên không, trên bộ, trên biển, dưới mặt nước cho đến không gian mạng và không gian vũ trụ. Vì thế, tàu chiến tương lai phải tối ưu hóa khâu ra quyết định bằng việc ứng dụng sâu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như bảo đảm kết nối giữa các tàu với nhau và với các hệ thống không người lái trong môi trường phức tạp. Chính khả năng tự động hóa cao với sự xuất hiện của nhiều hệ thống tự động tiên tiến sẽ cho phép giảm số thành viên thủy thủ đoàn xuống mức tối thiểu.
Đặc biệt, nhằm đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa thế hệ tiếp theo, những con tàu này sẽ phải “công thủ toàn diện” nhờ nâng cao hiệu quả “tàng hình” tối ưu cũng như tích hợp các loại vũ khí thế hệ tiếp theo như tia laser hoặc súng điện từ, bên cạnh những khí tài truyền thống. “Tăng cường năng lực cảm biến tên lửa, vũ khí năng lượng định hướng, khả năng sống sót và sức mạnh vượt trội là những mục tiêu đối với tàu chiến tương lai của châu Âu”, National Defense Magazine đánh giá.
KHÁNH NGÂN