Quân sự thế giới hôm nay (10-11): Soi hệ thống tên lửa AD-40 mới của Iran

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:28, 10/11/2024

Quân sự thế giới hôm nay (10-11-2024) có những nội dung sau: Máy bay do thám hiện đại mới của Mỹ có gì đặc biệt? Iran có hệ thống tên lửa AD-40 mới; MBDA và Fly-R tung UAV cảm tử tiên tiến.

* Máy bay do thám hiện đại mới của Mỹ có gì đặc biệt?

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã công bố hình ảnh về một máy bay tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) tiên tiến mang tên ATHENA với có khả năng tương tự như máy bay do thám hiện đại. Phương tiện được thiết kế nhằm thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo ở các khu vực rộng lớn, giúp củng cố lợi thế chiến lược và chiến thuật của quân đội thông qua việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực và nâng cao nhận thức tình huống.

Được trang bị công nghệ tiên tiến thiết kế cho cả nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược, ATHENA được đánh giá là sẽ giúp mang lại lợi thế tình báo quan trọng. Khả năng nổi bật nhất của phương tiện là chụp ảnh với độ phân giải cao nhờ sử dụng camera quang học và hồng ngoại tiên tiến. Khả năng này rất cần thiết để giám sát các khu vực rộng lớn, xác định đội hình của đối phương và theo dõi chuyển động trên địa hình phức tạp.

Máy bay do thám ATHENA trình diễn khả năng của mình. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

Ngoài khả năng chụp ảnh, ATHENA còn được đánh giá cao với khả năng tình báo tín hiệu (SIGINT) mạnh. Các cảm biến được trang bị có thể chặn và phân tích các thông tin liên lạc điện tử và tín hiệu do đối phương phát ra, cho phép định vị, nhận dạng và mô tả các tín hiệu này để đánh giá mối đe dọa và hỗ trợ trong tác chiến điện tử.

Bên cạnh đó, nền tảng này cũng có hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, cho phép phá vỡ, đánh lừa hoặc tắt hệ thống liên lạc và radar của đối phương, từ đó hỗ trợ chiến thuật cho lực lượng trên bộ và trên không. Cùng với đó, khả năng bay ở độ cao lớn và thời gian dài còn giúp nâng cao khả năng quan sát diện rộng và hiệu quả của các nhiệm vụ đòi hỏi phải quan sát liên tục.

Chương trình ATHENA đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm nay, với các hợp đồng được trao cho các công ty quốc phòng như MAG Aerospace, L3Harris và Sierra Nevada Corporation. Mỗi nhà thầu sẽ phát triển các phiên bản đặc biệt, từ các nền tảng hoạt động thực tế đến các phiên bản nghiên cứu nhằm kiểm tra hiệu suất của cảm biến và khả năng thích ứng với nhiệm vụ.

Mục đích của chương trình là thay thế máy bay ISR cánh quạt cũ bằng các nền tảng phản lực nhanh hơn, hiệu quả hơn có khả năng triển khai nhanh chóng. Với tốc độ, phạm vi và độ cao được cải thiện, ATHENA có thể hoạt động bên trên hệ thống phòng không của đối phương, tăng khả năng sống sót trong khi vẫn cung cấp thông tin tình báo liên tục.

Với khả năng ISR được nâng cao, máy bay ATHENA được kỳ vọng sẽ là giải pháp tinh vi nhằm đáp ứng các yêu cầu tình báo ngày càng cao. Với khả năng triển khai nhanh chóng, công nghệ cảm biến tiên tiến và lợi thế hoạt động ở độ cao lớn, ATHENA sẽ giúp duy trì ưu thế thông tin trong các chiến trường hiện tại và tương lai.

* Iran có hệ thống tên lửa AD-40 mới  

Army Recognition đưa tin, Iran đang phát triển hệ thống tên lửa AD-40 nhằm tăng cường khả năng phòng không tầm trung của mình. Hệ thống mới này hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng của Iran trong việc giải quyết nhiều mối đe dọa trên không, từ máy bay và máy bay không người lái đến đạn dẫn đường chính xác. Theo các dữ liệu kỹ thuật, AD-40 có khả năng phát hiện, nhắm mục tiêu và đánh chặn tiên tiến.

Hệ thống tên lửa AD-40 là bản nâng cấp quan trọng cho cơ sở hạ tầng quốc phòng của Iran, với các tính năng phù hợp với các tiêu chuẩn phòng không hiện đại. Với phạm vi mở rộng, khả năng tấn công nhiều mục tiêu và tiềm năng tích hợp chiến lược, AD-40 có thể tăng cường đáng kể năng lực của Iran trong việc giải quyết và ngăn chặn nhiều mối đe dọa trên không.

Tên lửa AD-40 có tính năng dẫn đường bằng radar, đảm bảo theo dõi chính xác và đánh chặn các mối đe dọa trên không. Với đầu đạn nặng 74kg và ngòi nổ tiệm cận, tên lửa được thiết kế để phát nổ hiệu quả khi gần mục tiêu. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 40km và trần bay lên tới 18km, cho phép tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên không.

Hệ thống tên lửa AD-40 mới của Iran đã thử nghiệm bắn thành công. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran 

Được trang bị radar và hệ thống theo dõi hiện đại, AD-40 có thể đồng thời tấn công nhiều mục tiêu, một tính năng ngày càng quan trọng trong môi trường chiến tranh hiện đại và phức tạp. Công nghệ theo dõi và dẫn đường giúp phát hiện và nhắm mục tiêu vào máy bay không người lái có tín hiệu thấp, máy bay tàng hình và tên lửa tốc độ cao. Khả năng tấn công nhiều mối đe dọa này thể hiện bước tiến đáng kể trong công nghệ phòng không nội địa của Iran, vốn trước đây tập trung vào việc phòng thủ chống lại các mối đe dọa đơn lẻ.

Chiến lược phòng thủ của Iran phần lớn dựa trên việc xây dựng một mạng lưới phòng thủ nhiều lớp. AD-40 dự kiến sẽ được tích hợp liền mạch với các hệ thống phòng không khác, từ các hệ thống tầm ngắn đến radar và trung tâm chỉ huy. Sự tích hợp này cho phép hệ thống hoạt động trong một mạng lưới phòng thủ liền mạch, giúp tối đa hóa phạm vi phủ sóng và giảm thiểu lỗ hổng phòng không quốc gia. Mặc dù mốc thời gian sản xuất và triển khai chính xác vẫn chưa được xác nhận, nhưng việc công bố hệ thống AD-40 báo hiệu một sự thay đổi chiến lược của nước này.

* MBDA và Fly-R tung UAV cảm tử tiên tiến

Tập đoàn MBDA và công ty quốc phòng Fly-R của Pháp vừa ra mắt “đứa con chung” mang tên RD-120 Raijin, một loại UAV cảm tử tiên tiến, được thiết kế để tấn công các mục tiêu quan trọng một cách chính xác.

Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất, nhà sản xuất đã tập trung mạnh vào tính linh hoạt, sức mạnh và độ chính xác của RD-120 Raijin. Được trang bị camera ngày/đêm hiệu suất cao, UAV cảm tử này có thể phát hiện, xác định và tấn công mục tiêu trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.

RD-120 Raijin có kích thước nhỏ gọn, với chiều rộng 250mm, cao 255mm và dài 1.195mm khi gập, cho phép vận chuyển một cách dễ dàng. Khi triển khai, cánh sẽ tự động mở ra. Lúc này, UAV sẽ rộng 1.215mm, cao 225mm và dài 1.070mm. Với trọng lượng cất cánh tối đa là 5kg và khả năng mang tải trọng lên đến 1,5kg, Raijin tuy nhỏ gọn nhưng được đánh giá là "có võ".

Mô hình của RD-120 Raijin được trưng bày tại một sự kiện quốc phòng mới đây tại Pháp. Ảnh: Army Recognition Group 

UAV này được vận hành bằng động cơ điện, cho phép hoạt động linh hoạt với tốc độ từ 95km/giờ đến 200km/giờ, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. RD-120 Raijin được phóng từ ống phóng di động với tốc độ ban đầu là 95km/giờ và có thể nhanh chóng tăng lên tốc độ hành trình 110km/giờ. Khi bước vào giai đoạn tấn công, Raijin tăng tốc độ và lao xuống mục tiêu với tốc độ lên tới 270km/giờ. Tầm hoạt động của vũ khí này lên đến 50km và có thể bay trong 45 phút ở tốc độ hành trình, phù hợp cho các nhiệm vụ kéo dài. Raijin có thể hoạt động ở độ cao lên đến 3.000m, mang lại lợi thế khi thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực có địa hình đa dạng và phức tạp.

Một trong những đặc điểm nổi bật của RD-120 Raijin là cấu hình cánh hình thoi, giúp tăng cường khả năng cơ động và giảm chiều rộng cánh cũng như trọng lượng tổng thể khoảng 1/3. Cấu trúc này cho phép Raijin thực hiện các động tác nhanh và chính xác, duy trì sự ổn định trong hành trình bay ngay cả ở tốc độ cao, tiếp cận mục tiêu từ góc nghiêng, lý tưởng cho các cuộc tấn công bất ngờ và chính xác.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)