TS. Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: Phát lộ di sản nghệ thuật của cựu hoàng

Dòng chảy - Ngày đăng : 10:47, 07/11/2024

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại thành phố Nice, Pháp, diễn ra từ ngày 19.3-26.6.2022, do Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi là giám tuyển.

Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện riêng với Tiến sĩ Amandine Dabat về cuộc triển lãm đặc biệt này và công trình nghiên cứu của cô đối với vị vua có số phận bi tráng trong lịch sử Việt Nam, một người đau đáu yêu nước và tha hương gần cả cuộc đời.

Sinh thời, vua Hàm Nghi từng có một số triển lãm cá nhân ở Paris: tại Bảo tàng Guimet (1904), tại Galerie Mantelet (1911), tại Galerie Mantelet - Colette Weil (1926). Nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông đã bị phá hủy trong vụ cháy (vì chiến sự) tại Algeria năm 1964. Hiện còn khoảng 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc sót lại trong các bộ sưu tập cá nhân, sở hữu bảo tàng và một số bạn bè, gia đình.

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật và vật dụng cá nhân của Hàm Nghi như những bản thảo viết tay, tranh sơn dầu hay tranh màu nước theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ; những kỷ vật, thư từ, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông.

Triển lãm là một phần trong dự án nghiên cứu tìm hiểu về vua Hàm Nghi với vai trò một nghệ sĩ, là một phần của dự án nghiên cứu về vị vua có số phận lịch sử bi tráng do Amandine Dabat thực hiện trong hơn 10 năm qua.

Năm 2019, cô đã xuất bản tại Pháp cuốn sách Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger (Hàm Nghi - vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger), gây tiếng vang quốc tế.

Sinh năm 1987, Amandine Dabat là hậu duệ trong nhánh của công chúa Như Lý, con gái thứ hai của vua Hàm Nghi. Amandine Dabat học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ, có nhiều nghiên cứu về văn hóa ngôn ngữ Đông Dương và Việt Nam.

Amandine Dabat có thể chia sẻ đôi chút phản hồi của bạn đọc về cuốn sách cũng như cuộc triển lãm đang diễn ra tại Nice? 

Sau luận án tiến sĩ, xuất bản cuốn sách là công việc quan trọng của tôi nhằm giúp công chúng đương đại biết đến Hàm Nghi nhiều hơn. Ông không chỉ là một vị vua mà còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ và một nhà điêu khắc. Điều này rất quan trọng, vì từ trước tới nay, Hàm Nghi chỉ được coi như một nhà chính trị trong suốt thời gian ông còn sống, và có thể luôn mang trong lòng sự phản kháng nước Pháp. Nhưng qua nghiên cứu, tôi phát hiện trong suốt quãng đời lưu vong với danh phận chính khách, chính trị không còn hấp dẫn ông nữa. Ông đã dành phần lớn cuộc đời lưu đày của một chính khách để hướng về nghệ thuật và đã thực sự trở thành một nghệ sĩ sáng tạo.

Sau khi xuất bản cuốn sách về cựu hoàng Hàm Nghi, việc tiếp tục chứng minh và khẳng định ông là nghệ sĩ rất quan trọng đối với tôi - một nhà nghiên cứu và cũng là hậu duệ của ông. Thực hiện được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á trong năm 2022 với tôi là điều rất tuyệt vời.

TS. Amandine Dabat chia sẻ với báo giới về cuộc triển lãm.


Đã có hơn 10 ngàn khách tới cuộc triển lãm. Hy vọng sẽ có khoảng 30 ngàn người đến triển lãm trước khi kết thúc tuần cuối tháng Sáu. Nhiều người Việt, người Pháp gốc Việt đến xem. Phần lớn họ đều bộc lộ cảm xúc, có người đã khóc khi thấy các tác phẩm nghệ thuật của một vị hoàng đế Việt Nam.

Tôi hạnh phúc vì các tác phẩm của Hàm Nghi được trưng bày, được thế giới biết đến. Bởi lẽ, suốt thời gian lưu vong bất đắc dĩ tại Pháp, Hàm Nghi bị đối xử như một tù nhân tại ngoại, ông không được tự do triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong bối cảnh bị cảnh sát Pháp theo dõi chặt chẽ, cựu hoàng Hàm Nghi chọn cách lưu giữ các tác phẩm như một phần của cuộc sống riêng tư của ông.

Là hậu duệ của Hàm Nghi và là nhà nghiên cứu trẻ, cô cảm nhận thế nào khi thực hiện nghiên cứu về một vị vua sống cách thời đại của cô hàng trăm năm?

Là hậu duệ của vua Hàm Nghi, tôi có cơ hội nhiều hơn các nhà nghiên cứu khác khi tìm kiếm tiếp cận các di sản, tất cả giấy tờ, thư từ mà ông đã lưu giữ khi còn sống. Việc phát hiện ra các giấy tờ này chính là sự khởi đầu cho nghiên cứu của tôi và nó giúp tôi hiểu rằng, mặc dù Chính phủ Pháp luôn coi ông là một cựu hoàng, một nhà chính trị, một tù nhân thì bản thân ông lại coi mình là một nghệ sĩ.

Trong lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật của Việt Nam, Hàm Nghi không phải là nghệ sĩ được biết đến rộng rãi, do thực tế ông bị lưu đày và không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên người Việt Nam vì ông đã học về hội họa (Fine Arts) từ năm 1889..."

Khi bắt đầu tìm kiếm tư liệu nghiên cứu, bản thân tôi cũng không biết những di sản của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ. Họ hàng tôi trước đó không bao giờ cho bất cứ một nhà sử học nào chạm tới các lưu trữ cá nhân, vì vậy mà thế giới bên ngoài không ai biết những di sản của vua Hàm Nghi còn tồn tại. Hàm Nghi cũng chẳng bao giờ nói về cuộc sống trong quá khứ của ông với vợ con. Vợ ông không đồng ý cho ông nói tiếng Việt với con cái, nên ông không bao giờ nói cho con cái nghe về văn hóa (Việt Nam) của ông.

Khi tôi sinh ra, là thế hệ thứ 5, gia đình tôi cũng không biết gì nhiều về lịch sử của Hàm Nghi, ngoại trừ biết ông là ông cố mấy đời. Khi quyết định nghiên cứu về cuộc đời ông, có hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra mà không ai trong gia đình có thể trả lời, dù gia đình tôi đang chăm sóc ngôi mộ của ông. Họ chẳng biết chút gì về cuộc sống cá nhân của ông, ngoại trừ việc biết ông sống lưu vong ở Alger, ông từng là vua An Nam. Nhưng chẳng ai nói với tôi điều đó khi tôi còn nhỏ. Tôi chỉ biết, người ta gọi ông là “hoàng tử An Nam”, và ông sống ở Algeria. Chỉ có thế.

Gia đình tôi không hề nhận ra ông là một nhân vật lịch sử, một vị vua yêu nước có tinh thần phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ dân tộc. Tra bách khoa toàn thư, tôi biết thêm vài thông tin. Rồi khi tôi theo học thạc sĩ lịch sử nghệ thuật, tôi quyết định tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật của ông, tôi đã phải tìm đến các cơ sở lưu trữ quốc gia để tìm thêm thông tin về ông.

Vua Hàm Nghi trong thời gian sống tại Algeria. Ảnh: Tư liệu gia đình


Amandine Dabat thích dùng cách nào để gọi vua Hàm Nghi: một ông vua bị lưu đày hay một nghệ sĩ? 

Tôi thích gọi ông với cái tên “Tử Xuân”. Tên này từng được ông dùng là tên họ ngay từ nhỏ. Sau này ông đã dùng làm họa danh ký dưới các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi lần nói về ông với công chúng, hầu như tôi phải dùng tên Hàm Nghi, cái tên đã quen thuộc ở Việt Nam, hoặc gọi hoàng tử An Nam - “Prince d’Annam”, cách mà người ta gọi ông tại Pháp suốt thời gian ông sống lưu vong.

Điều quan trọng nhất tôi muốn chuyển tải qua cuốn sách cũng như triển lãm là: Vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ, một nhà điêu khắc, cho dù chính phủ Pháp chỉ coi ông là một cựu hoàng, một nhân vật chính trị, trong suốt thời gian họ lưu đày ông.

Trong lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật của Việt Nam, Hàm Nghi không phải là nghệ sĩ được biết đến rộng rãi, do thực tế ông bị lưu đày và không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên người Việt Nam vì ông đã học về hội họa (Fine Arts) từ năm 1889, một thập kỷ trước khi ông Lê Văn (Huy) Miến (1873-1943) được coi là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, từng theo học Fine Arts tại Paris.

Tử Xuân hay Hàm Nghi cần được đặt vào đúng vị trí trong lịch sử hội họa Việt Nam. Ông xứng đáng được như vậy.

Có những khó khăn gì khi Amandine Dabat, một nhà nghiên cứu trẻ, gặp phải suốt quá trình tìm kiếm, tiếp cận thông tin về một nhân vật chính trị bị lưu đày từ Việt Nam đến Châu Phi cách xa thời đại cô sống cả trăm năm, nhất là sau khi hệ thống chính trị tại cả Việt Nam và Algeria đều thay đổi?

Mặc dù cả hai đất nước đều đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, nhiều tư liệu, dấu vết và các kết nối, liên hệ của nhân vật bị phá hủy, nhưng hầu hết các tài liệu lưu trữ đều đang nằm tại Pháp.

Tôi rất may mắn vì hệ thống lưu trữ của Pháp được bảo toàn dù trải qua nhiều cuộc chiến. Nhiều lưu trữ liên quan đến Hàm Nghi được bảo quản trong các văn bản của chính phủ Pháp cả ở Đông Dương lẫn Algeria. Tài liệu lưu trữ này sau đó đã được chuyển về Pháp sau thời kỳ thuộc địa. Tôi đi tới đi lui cả Việt Nam, Algeria để tìm hiểu và nghiên cứu bổ sung các tài liệu liên quan còn lại tại hai nước này, nhưng không nhiều bằng ở Pháp.

May mắn nữa là hai người con gái của vua Hàm Nghi còn lưu giữ và bảo quản những tài liệu cá nhân của ông rất cẩn thận. Chỉ riêng tài liệu cá nhân liên quan đến Hàm Nghi, tôi đã tiếp cận được khoảng 2.500 tài liệu.

Một góc triển lãm “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, hoàng tử An Nam” (1871-1944” tại Nice.


Sau Nice, cô dự định thực hiện triển lãm tại đâu nữa? Cô có kế hoạch đưa triển lãm về Việt Nam không? 

Mục đích của tôi là tập trung vào chủ đề Hàm Nghi là một nghệ sĩ, giúp các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi hơn. Tôi hy vọng nhiều bảo tàng khác sẽ quan tâm và trưng bày bộ sưu tập này. Tuy nhiên, vì bộ sưu tập phần lớn thuộc sở hữu các bảo tàng tại Pháp và các nhà sưu tập cá nhân. Họ cho mượn nên tôi phải cân nhắc nghiêm túc và cẩn thận khi triển lãm ở bất cứ đâu, và phải được sự đồng ý của những người sở hữu. Trước mắt ưu tiên triển lãm tại Pháp và có thể sẽ là Singapore.

Amandine Dabat chờ đợi gì sau khi sách “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” của mình được dịch sang tiếng Việt? Liệu cuốn sách có vẽ ra một chân dung mới của Hàm Nghi?

Dịch cuốn sách sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam là điều tuyệt vời nhất với tôi, một cơ hội tốt để tôi giới thiệu với độc giả Việt chân dung một Hàm Nghi sống trong thời kỳ lưu vong. Ông đã sống thế nào, đã trở thành nghệ sĩ và đã tạo ra những tác phẩm nào. Tôi tin rằng Hàm Nghi cũng sẽ rất hạnh phúc khi được người Việt Nam nhìn nhận là một nghệ sĩ. Vì ông chính là một nghệ sĩ, nhưng cả cuộc đời dài bị chính phủ Pháp coi là một chính trị gia.

Amandine Dabat đã có cảm xúc thế nào mỗi lần đến Việt Nam, khi vừa là một nhà nghiên cứu, lại có kết nối với một gia đình hoàng tộc tại mảnh đất này?

Tôi sẽ còn đi đến Việt Nam nhiều, vì tôi đang thực hiện một đề tài liên quan đến một gia đình Pháp - Việt. Gia đình này có người ông từng là lính Pháp ở Bắc Việt Nam những năm 1890. Ông kết hôn với một phụ nữ Việt Nam khi đó. Những năm 1950, cháu chắt ông đã phải rời Việt Nam đến Pháp. Nghiên cứu của tôi ghi chép lịch sử của gia đình này, ghi lại những sự kiện quan trọng trong lịch sử đã ảnh hưởng đến một gia đình Pháp - Việt như thế nào.

Mười năm trước đại dịch, năm nào tôi cũng đi đi về về Việt Nam. Hy vọng tôi có thể quay trở lại Việt Nam vào năm sau để giới thiệu cuốn sách của tôi được dịch sang tiếng Việt. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, và tôi cảm nhận được nguồn cội của mình chính là ở nơi này.

Vua Hàm Nghi (1871-1944) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn nhưng chỉ trị vì được 1 năm (1884-1885). Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông bị bắt và bị thực dân Pháp đày sang thủ đô Algiers của Algeria năm 1888 khi ông mới 18 tuổi.

Trong thời gian sống lưu đày, vua Hàm Nghi đã tìm sự khuây khỏa và tự do cho riêng mình trong văn chương, nhiếp ảnh và đặc biệt là trong hội họa, điêu khắc với những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy của Pháp như Marius Reynaud và Auguste Rodin. Chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng của châu Âu, các bức tranh của ông chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao.

Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884-1974), con gái của Chánh án tòa Thượng thẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm công chúa Như Mai (1905-1999), công chúa Như Lý (1908-2005) và hoàng tử Minh Đức (1910-1990).

Cô Amandine Dabat, chắt gái của công chúa Như Lý và là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot). Cô cũng là thành viên Trung tâm Đông Nam Á tại EHESS. Năm 2015, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) cũng với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Mới đây, quyển sách cô viết về vua Hàm Nghi (cùng tên với luận án) đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ sáng tác văn học của Quỹ Del Duca (lược trích từ TTXVN).

Ninh Hạ thực hiện - Ảnh: Nguyễn Thu Hà