Từ vụ đoàn "quái xế" tông chết người: Nhiều cha mẹ phó mặc con cho xã hội
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:38, 07/11/2024
Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ nhóm "quái xế" tông chết cô gái dừng đèn đỏ ở Hà Nội. Đáng nói, đa số trong các "quái xế" bị cảnh sát tạm giữ có độ tuổi 16-17, chưa đủ điều kiện cầm lái xe máy dung tích trên 50cm³.
"Nhiều phụ huynh vẫn phó mặc con cái cho xã hội"
Ngày 6/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết, thời gian qua đơn vị nhận thấy có rất nhiều phụ huynh giao xe cho con em đang ở lứa tuổi học sinh.
Theo Đại tá Nhật, các trường hợp được giao xe phần lớn chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện hoặc chưa có giấy phép lái xe để tham gia giao thông.
Đại tá Nhật đánh giá, những hành vi nêu trên, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý rất nghiêm minh về hành chính. Ngoài ra, với những trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra kiên quyết xử lý cả về mặt hình sự.
"Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ, người giám hộ còn chưa quan tâm đến việc con em tham gia giao thông như thế nào, họ vẫn phó mặc cho xã hội, lực lượng chức năng quản lý.
Thậm chí nhiều trường hợp mua xe cho con hoặc buông lỏng quản lý để con cái tự ý mua rồi gửi xe ở ngoài. Họ thậm chí không quản lý về thời gian, giờ giấc sinh hoạt của con cái. Từ đó hình thành nên các hội nhóm tụ tập đi chơi, điều khiển xe lạng lách, thậm chí đua xe, gây rối trật tự công cộng", Đại tá Nhật nêu thực trạng.
Nói về giải pháp cho thực trạng nêu trên, Đại tá Nhật cho biết hiện tại lực lượng CSGT toàn quốc đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Trong tháng cao điểm này, cảnh sát sẽ áp dụng nhiều biện pháp để xử lý triệt để vi phạm như phối hợp với nhà trường, công an cơ sở để kiểm tra tại các bãi giữ xe, phát hiện các trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi; kiên quyết xử lý hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện.
Cùng với đó, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT cũng có sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm và hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.
"Chúng ta phải nhìn nhận, một số bậc cha mẹ chưa tạo ra một môi trường văn minh, an toàn khi tham gia giao thông cho các cháu, họ vẫn còn buông lỏng quản lý con em của mình, phó mặc con em khi chúng tham gia giao thông coi như trách nhiệm của xã hội.
Đáng ra họ phải tập trung, chú ý hướng con em mình tới việc tham gia giao thông như thế nào cho đúng luật, đó cũng chính là bảo vệ cho sức khỏe, tính mạng của con em họ, tài sản của gia đình họ", Đại tá Nhật chia sẻ thêm.
Cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết, hiện nay hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông có 2 chế tài là xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường trích dẫn, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi con không có giấy phép lái xe phù hợp, gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì phụ huynh sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Cường, với thanh, thiếu niên chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe thì không được phép điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cc trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp phụ huynh đã giao phương tiện cho con mình điều khiển, dẫn đến gây mất an ninh trật tự, thậm chí để xảy ra tai nạn giao thông.
"Hiện nay Bộ Công an đang đề xuất tăng mức phạt ở một số hành vi như đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm và đặc biệt là đối với hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này của Bộ Công an, bởi xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật, xử lý vi phạm, thời gian qua, CSGT đã phát hiện rất nhiều các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người. Điều này cho thấy tình trạng lứa tuổi học sinh vi phạm còn diễn biến phức tạp.