Công ty Trung Quốc muốn cung cấp máy bay cho chặng ra Côn Đảo

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:55, 06/11/2024

Cho biết đã thử nghiệm thành công chặng TPHCM - Côn Đảo, công ty sản xuất, chế tạo máy bay của Trung Quốc muốn máy bay của mình cuối năm nay có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam.

Mong muốn này được ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty tàu bay Thương mại Trung Quốc (Comac) chia sẻ trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 6/11, tại thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Comac là một doanh nghiệp quốc doanh được thành lập vào năm 2008, với mục tiêu phát triển ngành hàng không thương mại của Trung Quốc. Công ty nổi tiếng với dòng tàu bay C919 - mẫu tàu bay thân hẹp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển của Comac sau hơn 10 năm thành lập.

Công ty Trung Quốc muốn cung cấp máy bay cho chặng ra Côn Đảo - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty tàu bay Thương mại Trung Quốc( Ảnh: Hồng Phong).

"Bên cạnh các điều kiện thuận lợi khác, thời gian và trí tuệ rất quan trọng, làm gì cũng phải nhanh và trí tuệ phải vượt ra khỏi giới hạn của bản thân mới tạo đột phá được", Thủ tướng nói các yếu tố này được Comac thể hiện rất rõ và Việt Nam cần học tập.

Cho biết Việt Nam là thị trường Comac rất coi trọng, ông Ngụy Ứng Bưu nói đại diện các lãnh đạo Comac hôm nay đã đi từ Thượng Hải đến Côn Minh để báo cáo với Thủ tướng về vấn đề thúc đẩy hợp tác.

Ông cho biết Comac thành lập năm 2008 tại Thượng Hải và đến nay, vốn đăng ký đạt 50 tỷ Nhân dân tệ.

Thông tin về một số loại máy bay mà công ty sản xuất, ông Ngụy Ứng Bưu cho biết trong đó có loại hơn 90 chỗ, có thể bay cự ly 3.000km. Máy bay này đã bay thử chặng từ TPHCM đến Côn Đảo. "Chúng tôi rất phấn khởi vì chưa bao giờ bay đường bay hẹp và khoảng cách ngắn như vậy", đại diện Comac chia sẻ.

Bên cạnh đó, Comac còn sản xuất một số loại máy bay cỡ lớn, thân rộng và đã nhận được đánh giá tốt từ khách hàng.

Ông Ngụy Ứng Bưu đánh giá kinh tế Việt Nam phát triển rất mạnh, đặc biệt là hàng không, vì thế, Comac rất quan tâm và mong muốn sớm vào thị trường Việt Nam.

Theo ông, Comac đã hợp tác với hãng hàng không Vietjet Air nhằm trao đổi sâu về việc đưa máy bay chặng ngắn vào vận hành, khai thác ở Việt Nam. Đánh giá Vietjet Air là hãng hàng không năng động và phát triển nhanh, lãnh đạo Comac kỳ vọng thông qua hợp tác với đơn vị này sẽ mở ra điểm sáng trong hợp tác về giao thông vận tải và hàng không giữa hai nước.

Ông cũng kỳ vọng cuối năm nay, sản phẩm máy bay của công ty sẽ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Việt Nam.

Đại diện Comac mời Thủ tướng nếu có dịp đến Thượng Hải sẽ ghé thăm Công ty để có cái nhìn trực quan hơn.

Công ty Trung Quốc muốn cung cấp máy bay cho chặng ra Côn Đảo - 2

Comac muốn cung cấp máy bay cho chặng bay Côn Đảo của Việt Nam sau khi đã bay thử thành công (Ảnh: Hồng Phong).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định rất quan tâm ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Quốc. Ông tin 5-10 năm tới, Comac sẽ có bước tiến nhảy vọt, tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn với các hãng chế tạo máy bay khác trên thế giới.

Nhắc đến việc đưa máy bay vào khai thác chặng Côn Đảo, Thủ tướng nói ông rất quan tâm việc này bởi đường băng ở Côn Đảo rất ngắn. Việt Nam cũng đang nâng cấp sân bay Côn Đảo để mở rộng và kéo dài đường băng.

"Máy bay xuống được sân bay Côn Đảo là rất thành công. Côn Đảo tuy nhỏ nhưng nơi đây có tính lịch sử, rất linh thiêng và lượng khách cũng rất lớn", Thủ tướng nói.

Một lần nữa, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định ông ủng hộ đổi mới, sáng tạo và năng động, trong đó chú trọng yếu tố về thời gian và trí tuệ, vì chậm về thời gian sẽ lạc hậu, còn không vượt ra được khỏi giới hạn của trí tuệ cũng sẽ bị bỏ lại phía sau.

Hoài Thu (Từ Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc)

Hoài Thu