Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có thể tác động đến kinh tế Đông Nam Á như thế nào?

Tin thế giới - Ngày đăng : 11:19, 06/11/2024

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Dẫu ai được xướng tên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 47 thì kinh tế toàn cầu, trong đó có Đông Nam Á, cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng.

Trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia tư vấn về các vấn đề doanh nghiệp và địa chính trị Malminderjit Singh ở Singapore cho biết, trong 2 ứng viên đảng Dân chủ Phó tổng thống Kamala Harris và đảng Cộng hòa Donald Trump, ai thắng thì cũng sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng bởi bất ổn, lãi suất cao và chiến tranh.

Kinh tế Đông Nam Á khi ông Donald Trump thắng

Theo chuyên gia này, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã tìm cách phá vỡ cơ chế thương mại đa phương do toàn cầu hóa đem lại. Vì vậy, nếu trúng cử, ông Donald Trump sẽ tiếp tục tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Một góc cảng Singapore. Ảnh minh họa: dreamtimes.com

Ứng cử viên đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ áp đặt một loạt thuế quan cao, như đánh thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ các nước. Hồi tháng 9, ông cũng đe dọa sẽ đánh thuế 100% đối với hàng hóa sản xuất tại Mexico.

Các nước Đông Nam Á, phần lớn là các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất khẩu sang Mỹ thấp hơn do mối đe dọa áp thuế 20% của ông Trump. Con số này thật sự rất lớn vì trong năm nay, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 15%) của Đông Nam Á.

Thực tế, ông Donald Trump rất bận tâm về vấn đề thâm hụt thương mại và việc điều chỉnh những mất cân bằng đó là chìa khóa cho lời hứa tạo ra nhiều việc làm nhiều hơn cho người Mỹ. Vì vậy, sẽ là rất bất ngờ nếu ông Donald Trump không thực hiện các bước để giảm thâm hụt gần 200 tỷ USD của Mỹ với khu vực Đông Nam Á.

Ông Donald Trump cũng có thể sẽ bổ sung cho cơ chế thuế quan cao của mình bằng việc phá bỏ thêm các hiệp định thương mại đa phương bởi ông thích các thỏa thuận song phương hơn do tính hiệu quả hơn trong việc giải quyết thâm hụt thương mại với từng quốc gia. Ông đã đe dọa sẽ rút khỏi Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) – một sáng kiến của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Do đó, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế quan cao.

Môi trường thuế quan cao của ông Donald Trump cũng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, và điều này sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất và đối tượng phải gánh chịu một phần sẽ là người tiêu dùng.

Kinh tế Đông Nam Á liệu có khác biệt khi bà Harris thắng?

Có quan điểm chung cho rằng nếu bà Kamala Harris đắc cử thì sẽ tốt hơn nhiều cho nền kinh tế thế giới so với ông Donald Trump. Nhưng liệu có phải như vậy?

Vấn đề tạo ra và bảo vệ việc làm cho người Mỹ hiện đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Trong khi ông Trump sẽ giải quyết vấn đề này theo cách trực tiếp hơn, mang tính đối đầu thông qua thuế quan, bà Harris có thể sẽ sử dụng các tiêu chuẩn về lao động và các quy định về môi trường để giải quyết.

Dù bà Kamala Harris hay ông Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, các nền kinh tế Đông Nam Á cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Ảnh minh họa: The Jakarta Post

Mặc dù trước đây bà Harris đã phản đối các hiệp định thương mại như Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng nay có khả năng bà sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden trong việc mở rộng thương mại với khu vực. Với cam kết duy trì trụ cột thương mại và phát triển, bà Harris có thể yêu cầu thực thi mạnh mẽ hơn các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, khiến các cuộc đàm phán về thỏa thuận trở nên khó khăn và phức tạp hơn, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á không đạt được các tiêu chuẩn này.

Nhìn chung, cách tiếp cận của bà Harris đối với thương mại vẫn sẽ tích cực. Mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy bà sẽ thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào, nhưng bà sẽ ít tập trung vào việc điều chỉnh mất cân bằng thương mại hơn ông Trump. Có khả năng, bà Harris sẽ theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương hoặc theo ngành có mục tiêu phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Mỹ như công nghệ xanh và nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là AI và an ninh mạng, và điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nếu bà Kamala Harris tập trung vào việc đưa các ngành công nghiệp Mỹ về nước, FDI của Mỹ vào Đông Nam Á có thể bị sụt giảm nếu các công ty của Mỹ phân bổ các khoản đầu tư về trong nước và rút ngắn chuỗi cung ứng.

Cho dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris thắng thế, các chính sách "Nước Mỹ trên hết" vẫn phù hợp với nhu cầu chiến lược của Washington. Mặc dù những chính sách này có thể tạo ra một số cơ hội cho các nền kinh tế Đông Nam Á, khu vực này có thể phải chuẩn bị cho một mối quan hệ kinh tế phức tạp hơn với Mỹ trong 4 năm tới, và có thể lâu hơn nữa.

MAI HƯƠNG