Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Mark Zuckerberg, Elon Musk mỗi người một hướng

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:26, 05/11/2024

Nếu Elon Musk muốn định hình bối cảnh chính trị thông qua mạng xã hội X, Mark Zuckerberg lại tìm cách tránh xa nhất có thể trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bốn năm trước, Facebook và Twitter thiết lập các chính sách quan trọng để chống lại nội dung chính trị gây hiểu lầm. Ngay trước Ngày bầu cử năm 2020, CEO Facebook Mark Zuckerberg cho biết công ty đã nỗ lực nhiều năm để bảo vệ "tính toàn vẹn của cuộc bầu cử”.

Sau khi cuộc bạo động Đồi Capitol ngày 6/1/2021 diễn ra, Facebook và Twitter đều cấm tài khoản mạng xã hội của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, cho đến nay, các tài khoản đã được khôi phục. Hai ông chủ của hai công ty cũng lựa chọn lối đi trái ngược: Nếu Zuckerberg cố gắng giảm nội dung chính trị trên các nền tảng của Meta, Elon Musk – người mua lại Twitter năm 2022 và đổi tên thành X – lại gần như từ chối kiểm duyệt nội dung và dốc toàn lực ủng hộ ông Trump.

bầu cử mỹ bloomberg
Mark Zuckerberg (phải) và Elon Musk chọn hướng đi khác biệt cho các nền tảng của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: Bloomberg

Theo thời gian, số lượng nhân sự kiểm duyệt nội dung cũng giảm dần và công việc này dựa nhiều hơn vào công nghệ AI. Nền tảng lớn duy nhất có cách tiếp cận tích cực hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là TikTok.

Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại về việc các nền tảng truyền thông xã hội bị lạm dụng theo những cách như đăng thông tin gây nhầm lẫn về quá trình bỏ phiếu, tuyên bố chiến thắng trước khi có kết quả hay chạy chiến dịch gây nhiễu để gieo nghi ngờ về tính toàn vẹn của kết quả bầu cử.

So với năm 2020, các kỹ thuật tạo ra thông tin sai sự thật đã phát triển hơn hẳn, đặc biệt với sự ra đời của AI tạo sinh. Theo Brian Fishman, cựu Giám đốc chính sách chống khủng bố của Facebook, đây là thời điểm mà thông tin tin sai sự thật phổ biến tới mức mọi người từ bỏ sự thật và chuyển sang tin vào trực giác của mình.

Người phát ngôn của Meta khẳng định, những năm gần đây, công ty đã phát triển một cách tiếp cận toàn diện để giúp đảm bảo tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử trên nền tảng.

Ngược lại, tại X, Musk nới lỏng các chính sách để cho phép những hành vi từng bị xem là lạm dụng xuất hiện. Theo nguồn tin của Bloomberg, X ít tham gia phối hợp với công ty khác và chính phủ trong xác định các thông tin thao túng. Musk còn là một trong những người ủng hộ tài chính lớn nhất của ứng cử viên Trump, công khai tuyên truyền thông điệp chính trị mang tính đảng phái và không đúng sự thật.

Musk cũng giải tán phần lớn hạ tầng mà Twitter đã phát triển để chống lại việc nền tảng bị lạm dụng cho mục đích chính trị. Ông thu hẹp bộ phận dành riêng cho các vấn đề tin cậy và an toàn, khiến một số công cụ chống thao túng quy mô lớn trở nên vô dụng. Theo các cựu nhân viên giấu tên, ông chủ mới của X cũng làm suy yếu các hệ thống này bằng cách cắt giảm chi phí điện toán đám mây cần thiết để chúng hoạt động bình thường. Một số quyết định dẫn đến mất vĩnh viễn dữ liệu lịch sử cần thiết để phân tích.

Trong khi Musk cố gắng định hình bối cảnh chính trị, Zuckerberg làm mọi thứ có thể để tránh xa nó. Ông thừa nhận một trong những sai lầm lớn nhất của mình vào năm 2020 là đi quá xa trong việc kiểm soát nội dung mang tính chính trị và Meta đã thay đổi để hiển thị ít hơn. Vào tháng 2, công ty thông báo không đề xuất nội dung mà họ cho là chính trị đến người dùng Instagram và Threads.

Năm nay, Meta sẽ tiếp tục gắn nhãn một số bài đăng quan trọng nếu tranh cãi kết quả bầu cử nhưng không rộng rãi như năm 2020.

Một nền tảng tăng cường phòng thủ là TikTok. Công ty Trung Quốc gắn nhãn video từ các tài khoản truyền thông do nhà nước kiểm soát và không hiển thị trên nguồn cấp dữ liệu nếu được xác định là bài đăng chính trị. Họ cũng đã bắt đầu phát hành các báo cáo thường xuyên về các hoạt động can thiệp chính trị.

(Theo Bloomberg)