Giá USD tăng 'nóng', Ngân hàng Nhà nước can thiệp ra sao?

Kinh doanh - Ngày đăng : 15:12, 05/11/2024

Trước diễn biến giá USD tăng liên tục nhiều ngày qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay biện pháp kép để “kìm cương” tỷ giá.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã liên tục tăng suốt hai tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. Giá USD trên thị trường tự do cũng đã gần chạm mức 25.900 đồng/USD.

Trước diễn biến đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Cụ thể, trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất ở mức 4%, có hơn 29.999 tỷ đồng trúng thầu. Ngược lại, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 20.000 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên giao dịch ngày 4/11.

Giá USD tăng 'nóng', Ngân hàng Nhà nước can thiệp ra sao? ảnh 1
Nghiệp vụ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để hạ nhiệt tỷ giá (ảnh: SBV).

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước ở kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 300 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,9%; 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tương ứng, NHNN đã bơm ròng 3.600 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.

Tổng cộng trên hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng gần 23.600 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong chiều qua.

Trước đó, NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu sau gần 2 tháng tạm ngưng. Theo đó, từ ngày 18/10, NHNN đã bắt đầu chào thầu tín phiếu trở lại với hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Việc mở lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt VND trong hệ thống ngân hàng và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Tổng lượng tín phiếu NHNN đã phát hành tính đến ngày 25/10 là xấp xỉ 67.000 tỷ đồng, gồm 17.800 tỷ đồng tín phiếu có kỳ hạn 14 ngày, còn lại là tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày. Con số này cộng với số tiền NHNN hút về qua kênh OMO đáo hạn vào đầu tháng là khoảng 57.600 tỷ đồng, đã đưa tổng mức hút ròng từ 1 đến 25/10 lên khoảng 124.600 tỷ đồng.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VNĐ trên thị trường liên ngân hàng.