Thủ tướng lên đường sang Trung Quốc dự nhiều hội nghị cấp cao
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 08:09, 05/11/2024
Sáng 5/11, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường sang Trung Quốc. Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 từ ngày 5 đến 8/11, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Lai Châu Giàng Páo Mỷ; Bí thư Điện Biên Trần Quốc Cường; Bí thư Cao Bằng Trần Hồng Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp.
Lần đầu tiên tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, các hội nghị lần này là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc được kỳ vọng chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Tại các hội nghị, bên cạnh những vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, Thủ tướng sẽ cùng các nhà lãnh đạo thảo luận những vấn đề mới như đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc với đại diện các Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và người dân các nước, nhất là với chủ nhà Trung Quốc.
Theo lịch trình, các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến diễn ra liên tục trong 4 ngày làm việc với nội dung phong phú, đa dạng và thực chất.
Thủ tướng sẽ tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại 3 hội nghị đa phương; tiến hành các cuộc gặp song phương với một số đối tác quan trọng; tham dự các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, tọa đàm với doanh nghiệp; thăm một số cơ sở kinh tế, logistic tại Côn Minh và Trùng Khánh (Trung Quốc).
Trong các ngày làm việc, Thủ tướng cũng dự kiến tiếp xúc với nhiều đối tác quan trọng, có tiềm năng hợp tác với Việt Nam ở tất cả các cấp. Trong đó có các đối tác phát triển, các thiết chế tài chính đa phương, các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc.
Côn Minh là thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có vị trí địa lý gần gũi, giáp biên giới với các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam, đồng thời cũng là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hợp tác giữa hai bên trong công tác quản lý biên giới, kết nối giao thông, phát triển cửa khẩu, lối mở, văn hóa, thể thao và du lịch... đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương của phía Việt Nam đã phối hợp thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn thành phố Trùng Khánh là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực miền Tây Trung Quốc, một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu của nước này.
Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) là diễn đàn cao nhất trong chương trình Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Hội nghị tập trung bàn thảo về cơ hội, các xu hướng toàn cầu đang ảnh hưởng đến tiểu vùng; tiến trình hợp tác và hội nhập; chiến lược trong những năm tới.
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác giữa Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tận dụng thế mạnh đa dạng của các nước thành viên và thúc đẩy phát triển cân bằng trong tiểu vùng.
Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) được khởi xướng từ năm 2004. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.
Hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam phối hợp, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN, cũng như giữa ASEAN với đối tác khác.