Bánh trôi tàu bác Phạm Bằng đầy hoài niệm ngày Hà Nội trở gió
Ẩm thực - Ngày đăng : 07:00, 05/11/2024
Bánh trôi tàu là món ăn vặt yêu thích của người Hà Nội mỗi khi đông về. Sự hoà quyện của vỏ bánh nếp, nhân vừng cùng nước cốt mùi gừng thơm nồng là sự “quyến rũ” của món ăn này.
Vào đông, trên một số vỉa hè tại phố phường Hà Nội, bạn sẽ bắt gặp một quán nhỏ bán bánh trôi tàu. Thế nhưng, gợi nhớ hơn cả, chính là quán bánh trôi tàu của cố nghệ sĩ Phạm Bằng. Đã 8 năm nghệ sĩ từ giã cõi đời, nhưng mỗi năm vào độ cuối tháng 10, quán lại được gia đình mở cửa để đón những người khách yêu mến.
Gọi là quán nhưng thực chất đây là một điểm tận dụng ngay lối đi vào của khu nhà dân trên phố Hàng Giầy sầm quất. Quán nhỏ với 5-6 bàn ở bên trong và một ít bàn ở phía ngoài. Cũng như bao quán ăn vặt nổi tiếng ở Hà Nội khác, biển của quán không có tên, số điện thoại lẫn địa chỉ. Đó là một tấm biển nhỏ nằm khiêm tốn giữa vô số mặt hàng của các tiệm xung quanh, ghi tên 3 món quán bán: bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù.
Chiếc biển hiệu rất mộc mạc của quán. Nơi đây được thực khách gọi một cách thân thương là quán bánh trôi tàu bác Phạm Bằng.
Hàng năm, cuối tháng 4 khi trời đã nóng, quán sẽ đóng cửa. Và đến cuối tháng 10, khi những cơn gió lạnh đầu mùa ùa về, quán lại mở cửa. Như hơn 40 năm qua, đến nay quán vẫn chỉ bán 3 món, với cách chế biến chỉ có một chút khác biệt về lượng đường, còn lại từ thành phần đến hương vị vẫn như xưa.
Bánh trôi tàu là món ăn thơm ngọt, ấm nóng và rất tốt cho sức khoẻ. Quán chỉ bán từ 15h30 đến 22h mỗi ngày.
Bánh trôi tàu của tiệm không cho thêm nước cốt dừa, nó mộc mạc với vỏ bánh nếp, nhân mè đen hoặc nhân dừa xào. Nước chè nấu với đường, gừng, một lượng vừa đủ để không quá ngọt và quá nồng. Khi ăn, vị bùi của nhân bánh hoà quyện cùng độ dẻo mềm của nếp và nước chè thơm ngọt.
Nhân bánh là mè đen, một trong những thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ.
Chiếc còn lại sẽ là nhân dừa. Không như nhiều quán bánh trôi tàu sẽ làm nhân đỗ xanh.
Tiếp theo là lục tàu xá. Lục tào xá tương tự món chè đỗ xanh nhưng được chế biến công phu hơn, với hạt sen hầm nhừ, củ mã thầy, vỏ quýt. Đây cũng là những nguyên liệu cực tốt đối với mỗi người trong ngày đông lạnh.
Vì vậy, khi ăn lục tàu xá, bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều hương vị, thơm ngọt của đỗ xanh, bùi của hạt sen, giòn mát của củ mã thầy và chút the của vỏ quýt.
Một bát lục tàu xá nhỏ nhưng khi thưởng thức lại có nhiều hương vị thơm và ấm áp.
Với chí mà phù, một bát toàn màu đen thì bạn sẽ cảm giác sự béo ngậy của chè mè đen. Ăn thì có cảm giác ngậy nhưng thực chất đây lại là thực phẩm không gây béo vì chứa chất béo lành mạnh, giàu protein, y học cổ truyền còn đánh giá nó giàu dinh dưỡng ngang tổ yến.
Món chè nóng hổi này còn giúp chị em có làn da đẹp, tóc đen mượt, thải độc cơ thể. Có thể nói, nhìn thì đen thui nhưng đây là món chè dưỡng nhan tuyệt đỉnh.
Món chí mà phù với đặc trưng của mè đen.
Với 3 món ăn như vậy, nhưng vào mùa, quán lúc nào cũng tấp nập khách. Người đến ăn, ngoài thưởng thức một món ngon ấm nóng, bổ dưỡng, còn là sự hoài niệm về một hương vị xưa của người nghệ sĩ nổi tiếng, và cả cái cảm giác ngồi cạnh nhau trong quán nhỏ, ngắm nhìn phố xá bên ngoài nếu khi quán rảnh, còn không thì ăn nhanh nhanh để nhường chỗ cho người khác.
Phía trước là những hàng quán cũng nhuốm màu thời gian.
“Mỗi năm tôi đều muốn thưởng thức một bát chí mà phù trong thời tiết se lạnh đầu đông. Nó nóng hổi và thơm bùi, rất ấm bụng mà cũng đầy hoài niềm về ẩm thực Hà Nội xưa. Những năm gần đây có thể đặt ship đến mua về nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác ngồi tại quán, nhìn phố xá, thổi phù phù bát chè và ăn vào thì ấm người lên hẳn”, chị Hương Lan, 44 tuổi, nhà ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, nói về niềm yêu thích bình dị của mình.
Không chỉ chị Hương Lan, mà với hầu hết thực khách yêu mến món ăn của cố nghệ sĩ Phạm Bằng đều cùng chung cảm giác như vậy. Bởi, mùa đông là mùa của sự hoài niệm, và cũng là mùa cần sự ấm áp. Mà nơi đây, lại có cả hai.
Với nhiều người Hà Nội, đi ăn còn là thưởng thức cái không khí, cái cảm giác của con người đối với thời tiết, phố xá.