Người viết chữ đẹp được các thương hiệu cao cấp săn đón, thu nhập 'khủng'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 12:49, 04/11/2024
Đam mê khởi nghiệp từ ký ức tuổi thơ
Chị Lê Ánh Ngọc (33 tuổi, ở TPHCM) là chủ một thương hiệu thuê. Bên cạnh công việc chính là giám sát thiết kế đồ họa, chị còn khéo léo biến đam mê viết chữ thành nghề tay trái hái ra tiền, đặc biệt trong các mùa lễ hội, sự kiện hay cưới hỏi cao điểm.
Chị Ngọc cho biết, niềm đam mê với nghệ thuật chữ viết đã hình thành từ thuở bé, khi cùng bố - một người làm trong ngành y nhưng có đam mê với nghề viết biển hiệu - chăm chút từng đường bút, tỉ mỉ cắt dán từng chữ cái.
"Ba để lại cho mình những cuốn sách hướng dẫn viết chữ đẹp. Hình ảnh ông say sưa ngồi viết đã khơi nguồn đam mê của mình với nghệ thuật này", chị hồi tưởng.
Tuy nhiên, chỉ đến năm 2014, khi xem những video viết thư pháp trên mạng xã hội, niềm yêu thích ấy mới thực sự trỗi dậy, thôi thúc chị luyện tập một cách nghiêm túc.
Ban đầu, việc viết chỉ là sở thích cá nhân, nhưng với nỗ lực và đam mê, chị dần tạo ra các tác phẩm được công nhận và bén duyên với nghề mà chị gọi vui là "viết chữ dạo".
Chị chia sẻ, công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, sáng tạo và khả năng làm việc dưới áp lực thời gian. "Chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể khiến mình phải viết lại từ đầu", chị kể.
Đặc biệt, với những đơn hàng gấp, chị thường làm việc vào buổi tối hay thậm chí thức quá nửa đêm để kịp hoàn thành.
Vào các dịp cao điểm như mùa lễ hội hay những sự kiện lớn, chị có thể kiếm được 10-15 triệu đồng/tháng chỉ với nghề tay trái này. Đặc biệt, những tháng cuối năm khi nhu cầu tổ chức sự kiện, ra mắt sản phẩm hay tiệc cưới tăng cao, thu nhập của chị có thể nhảy vọt, trở thành nguồn tài chính đáng kể bên cạnh công việc chính.
Chị Ngọc không ngại thử nghiệm với những chất liệu mới, từ thiệp giấy thủ công cho đến các bề mặt đặc biệt như thủy tinh hay kim loại. Mỗi dự án đều là một hành trình tìm kiếm cảm xúc, truyền tải cái hồn của từng nét bút.
"Đơn hàng đầu tiên, tôi viết những bức thư tay phóng lớn để làm phông sân khấu cho một bữa tiệc kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Nhìn thấy sản phẩm của mình được đặt trong một không gian đầy trân trọng, cảm xúc lúc đó thực sự choáng ngợp và tự hào", chị bộc bạch.
Dù vậy, công việc không thiếu những thử thách. Có lúc, khách hàng thay đổi ý tưởng vào phút chót hoặc yêu cầu điều chỉnh nhiều lần, đòi hỏi chị phải linh hoạt và khéo léo để vừa giữ chất lượng sản phẩm đồng thời đáp ứng mong muốn của khách.
Tìm thấy sự thoải mái trong... thử thách
Theo đuổi nghề viết chữ nghệ thuật được 5 năm, chị Kim Dung (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hay gọi vui công việc mình làm là "viết chữ dạo", nhưng thật sự nghề này là cái duyên đặc biệt đến với tôi. Thời điểm dịch Covid-19 năm 2019, tôi kẹt lại Hà Nội một mình. Khoảng lặng đó giúp tôi suy nghĩ sâu hơn về những thế mạnh của mình để có thể phát triển. Và con chữ chính là câu trả lời".
Nghề "viết chữ dạo" không phải lúc nào cũng ổn định. Mùa cưới cuối năm là lúc chị bận rộn nhất.
"Có ngày tôi nhận đến 4 đơn viết thiệp cưới. Phải sắp xếp khéo léo để đảm bảo giao sản phẩm đúng hẹn mà vẫn giữ chất lượng. Chỉ cần viết ẩu, chữ không đều sẽ làm mất đi sự tinh tế của thiệp", chị giải thích.
Thu nhập từ nghề viết tay có sự chênh lệch rõ rệt theo từng thời điểm. "Mùa cưới trùng dịp lễ lớn như Ngày Phụ nữ Việt Nam, Giáng Sinh hay Tết có thể giúp tôi kiếm cả chục triệu đồng. Nhưng những tháng không có sự kiện lớn, hầu như không có đơn. Việc sáng tạo nội dung giúp tôi duy trì thu nhập ổn định, còn viết chữ là niềm vui", chị Dung cho biết.
Theo chị Dung, sắp xếp thời gian là thử thách lớn nhất của nghề này. Bên cạnh nhận đơn viết thiệp, chị còn dạy luyện viết chữ đẹp và học thêm các kiểu chữ mới. Những ngày cao điểm, chị phải làm việc liên tục.
"Có lần tôi thức đến 3h sáng để hoàn thành hơn 200 chiếc thiệp cho một tập đoàn bất động sản, vì danh sách khách mời cập nhật muộn. Tay mỏi, lưng đau, nhưng khi thấy khách hài lòng thì thực sự bõ công lắm", chị kể.
Thành tựu lớn nhất mà chị từng đạt được là cơ hội viết thiệp tại cửa hàng của thương hiệu cao cấp vào mùa Giáng Sinh. "Cảm giác ngồi viết trực tiếp cho khách, nhìn họ kiên nhẫn chờ từng nét chữ, trân trọng những gì mình làm, đó là một trong những mùa Giáng Sinh đáng nhớ nhất đời tôi", chị chiêm nghiệm.