Không khí Hà Nội đang ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khoẻ

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:33, 02/11/2024

Thay đổi thời tiết cùng với chất lượng không khí ô nhiễm khiến nhiều loại bệnh xuất hiện.
Không khí Hà Nội đang ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khoẻ
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường thường nặng nhất vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm. Để bảo vệ sức khoẻ, người dân nên hạn chế hoặc không tập thể dục vào buổi sáng sớm. Ảnh: Xuyến Anh

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), kết quả quan trắc của 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội và các tỉnh lân cận ở mức xấu trong ngày 2.11.

Cũng theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR, trong tháng 10, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí trong khung giờ 7 - 11h, bầu khí quyển bị bao phủ màn sương mờ đục, đặc quánh. Đặc biệt, ở khu vực có mật độ giao thông cao, như: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa..., chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 101 - 177 đơn vị. Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức cao, gấp hàng chục lần quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tác nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội được các chuyên gia phân tích, chủ yếu do nguồn thải từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và đốt rơm rạ. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tốt hay xấu còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở Thủ đô thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Do đó, người dân cần tăng cường các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí như hiện nay.

Trước tình trạng trên, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.

Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 đến 200) người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), nên tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng - tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khoẻ. Nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Lệ Hà