Điểm tin Kinh doanh 3/11: Giá vàng: Vàng nhẫn giảm
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 03/11/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn giảm
Giá vàng hôm 2/11 ở trong nước đồng loạt đứng yên ở hầu hết các thương hiệu đối với vàng miếng, giao dịch hơn 89 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn giảm.
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 89,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 1/11 ở cả 2 chiều).
Vàng SJC Phú Quý: 87,7 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua), 89,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 1/11).
Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 89,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 1/11 ở cả 2 chiều).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 89,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 1/11 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87,98 triệu đồng/lượng mua vào, 88,98 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm 1/11 ở cả 2 chiều).
Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 88 triệu đồng/lượng mua vào, 89,15 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 1/11 ở cả 2 chiều).
Như vậy, giá vàng trong nước hôm 2/11 “lặng sóng” ở hầu hết các thương hiệu vàng. Chỉ có vàng SJC Phú Quý giao dịch ở mức 87,7 triệu đồng/lượng mua vào, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm 1/11. Vàng nhẫn một số thương hiệu giảm, mức giảm cao nhất 200.000 đồng/lượng so với hôm 1/11 ở cả 2 chiều.
Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 2/111 đứng ở mức 2.736,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.749,2 USD/ounce.
Các nhà giao dịch dự đoán 99% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp mới đây.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chú ý đến thông tin Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, sau khi giảm các loại lãi suất chính sách khác, trong gói biện pháp kích thích nhằm phục hồi nền kinh tế. Nhu cầu vàng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
- Dân vẫn uống bia nhiều, hai 'đại gia' ngành bia báo lãi tăng
Hai ông lớn ngành bia đạt kết quả kinh doanh lạc quan trong quý III/2024, lợi nhuận tăng cao nhờ tiêu thụ sản phẩm tốt lên trong bối cảnh kinh tế khởi sắc.
Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với doanh thu đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.278 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản chi phí, Sabeco đạt lợi nhuận sau thuế 1.161 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bia Sài Gòn đạt 22.940 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III đạt hơn 7.670 tỷ đồng, tăng 256 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng, con số này còn tăng tới gần 1.000 tỷ đồng.
Theo Sabeco, doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá, nền kinh tế được cải thiện trong bối cảnh Nghị định 100 thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngoài ra, lợi nhuận ròng của Sabeco vẫn cao hơn do lợi nhuận gộp cao hơn và chi phí bán hàng thấp hơn, giúp giảm nhẹ một phần thu nhập từ lãi tiền gửi thấp hơn.
Theo báo cáo tài chính quý III, Sabeco ghi nhận chi phí bán hàng 2.612 tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ.
Tương tự, "ông lớn" bia phía bắc là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã BHN) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2024 tăng.
Trong đó, doanh thu đạt 2.348 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước; sau khi trừ giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp của Habeco tăng 53 tỷ đồng (tương đương tăng 9%) so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Habeco giảm 24% còn hơn 44 tỷ đồng, đồng thời chi phí cố định tăng nhẹ. Tuy vậy, lãi ròng của Habeco vẫn đạt hơn 124 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần Habeco ở mức gần 6.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; nhưng do chi phí bán hàng tăng 17%, lên gần 972 tỷ đồng dẫn đến lãi ròng giảm nhẹ 2% về dưới 273 tỷ đồng.
Theo Habeco, quý III tình hình tiêu thụ sản phẩm được cải thiện trong bối cảnh kinh tế trong nước dần ổn định hơn so với năm trước, đồng thời doanh nghiệp cũng đang kiểm soát tốt các chi phí sản xuất kinh doanh.
Với kết quả này, Habeco đã vượt 43% kế hoạch lợi nhuận và đạt gần 91% chỉ tiêu doanh thu cả năm.
Kết phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu SAB đạt 55.200 đồng/cp; cổ phiếu BHN đạt 39.000 đồng/cp.
- Thị trường chứng khoán giằng co khi áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và khối ngoại bán ròng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên trong và cả ngoại cảnh.
Thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái giằng co khi xuất hiện những phiên tăng giảm xen kẽ liên tiếp. Thanh khoản vẫn yếu, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu.
Cụ thể, kết quả kinh doanh quý 3 và áp lực từ thị trường quốc tế cũng như dòng vốn ngoại đã tạo nên “bức tranh” thị trường đầy thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội.
Khép lại tháng 10, chỉ số VN-Index về mức 1.264,48 điểm sau khi giảm 1,82% so với tháng 9. Trong ngày đầu tiên của tháng 11, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực, khi VN-Index giảm thêm đến 0,76% và khép lại ở mức 1.254,89 điểm.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index duy trì trên vùng hỗ trợ mạnh tại mức 1.250 điểm. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường trên sàn HoSE có xu hướng nghiêng lạc quan nghiêng về sự phục hồi. Tuy nhiên, chuyên gia công ty SHS khuyến cáo vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.
Trong đó, cổ phiếu thuộc các ngành dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, nguyên vật liệu cho thấy những “gam màu sáng,” trong khi nhóm ngành viễn thông, tài chính và dầu khí lại kém khả quan hơn.
Hơn nữa, công ty SHS chỉ ra rằng thanh khoản giảm mạnh xấp xỉ 20% tại sàn HoSE. Mặt khác, các nhà đầu nước ngoài tiếp tục bán ròng lên đến 7.652,27 tỷ đồng trong tuần qua. Điều này phần nào thể hiện sự thận trọng của khối ngoại.
Về triển vọng trên thị trường chứng khoán, SHS phân tích xu hướng trước mắt của VN-Index vẫn phải đối mặt với áp lực điều chỉnh về vùng 1.245-1.255 điểm, đây là vùng giá cao nhất năm 2023. Mức kháng cự gần nhất sẽ nằm quanh khu vực chỉ số 1.270 điểm.
Nhưng với trung hạn, công ty SHS lạc quan hơn với đánh giá VN-Index có thể hướng đến mục tiêu 1.300 điểm nếu duy trì trên mức hỗ trợ 1.250 điểm.
“Việc chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm, tương đương vùng đỉnh giá ở thời điểm đầu năm và tháng 6-8/2022, phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô tích cực, kết quả kinh doanh vượt trội và giảm thiểu căng thẳng địa chính trị toàn cầu," chuyên gia của công ty SHS chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thị trường đang giằng co do áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và bán ròng của khối ngoại ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
- Vietnam Airlines lãi hơn 6.263 tỷ đồng sau 9 tháng
Toàn bộ mạng bay nội địa và đường bay quốc tế được mở lại, hiệu quả đường bay mới và cao điểm hè giúp Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực.
Hãng hàng không quốc gia đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 85.466 tỷ đồng trong chín tháng đầu năm 2024, tăng hơn 24,64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.263 tỷ đồng sau chín tháng, trong đó, riêng quý III đạt 862 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đạt được chủ yếu do tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ và cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ quý III/2024 tăng 19,12% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng hơn 3.470 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 17,34%, tương đương tăng hơn 3.056 tỷ đồng.
Trong chín tháng đầu năm, Vietnam Airlines thực hiện 106,4 nghìn chuyến bay an toàn; vận chuyển 17,2 triệu lượt hành khách, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; vận chuyển 226 nghìn tấn hàng hóa, bưu kiện, tăng 42%.
- Thặng dư xuất nhập khẩu nông sản đạt 15,21 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 51,74 tỷ USD. Thặng dư thương mại ngành này đạt mức tăng trưởng 62,2% so với năm ngoái.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 10/2024 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nhóm này đạt khoảng 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính chung 10 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản Việt Nam ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét theo nhóm ngành hàng cụ thể, trong 10 tháng vừa qua có 6 nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt thặng dư trên 1 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm, và cá tra.
Xuất khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây đặc sản của Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng và kim ngạch