Giáo viên lo ngại bị tụt hậu khi học sinh biết sử dụng AI
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:19, 31/10/2024
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, nhiều công việc truyền thống đang đối mặt với nguy cơ biến mất, nhường chỗ cho những lĩnh vực hoàn toàn mới.
Các công việc chuyên môn như kỹ sư AI hay lập trình viên Blockchain được dự báo sẽ có mức lương tăng gấp 3-10 lần trong tương lai gần.
Chia sẻ tại hội thảo về Blockchain và AI trong khuôn khổ Triển lãm điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số tại Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) nhận định, nhu cầu học tập ứng dụng AI, Blockchain tại Việt Nam hiện đang rất cao.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo nhận thấy, ngay cả các cán bộ nhà nước và những người làm trong ngành giáo dục cũng đang có nhu cầu đối với việc ứng dụng AI.
“Các cán bộ nhà nước chỉ cần biết dùng AI một cách căn bản, tốc độ làm việc đã tăng lên rất nhiều. Với những người làm trong ngành giáo dục, các giáo viên cũng đang có nhu cầu sử dụng AI nhằm giúp bài giảng trở nên sinh động hơn”, ông Long cho hay.
Theo vị chuyên gia này, nhiều giáo viên còn cảm thấy lo ngại bởi học sinh ngày nay biết dùng AI, nên nếu không cập nhật, khi lên lớp các thầy cô giáo sẽ có cảm giác bị tụt hậu, thậm chí không phân biệt được khi học sinh dùng AI để trả bài.
Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng cần phổ biến các công nghệ mới như AI và Blockchain theo kiểu bình dân học vụ, người biết dạy người không biết, người biết ít học người biết nhiều. Điều này là bởi ai cũng có quyền được học tập, tiếp cận với các công nghệ mới.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Trung tâm AI, Viện Công nghệ và Chuyển đổi số (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) có những người đã ứng dụng AI có thể được xếp thành 3 kiểu: đã thành thạo sử dụng, đã thử nhưng chưa thành công, và nhóm người lo sợ bị bỏ lại phía sau.
Chia sẻ về phương pháp tư duy khi mới sử dụng AI, ông Tuyền gợi ý, thay vì hỏi AI để tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức, người mới, chưa thành thạo có thể tạo câu lệnh bằng cách nêu vấn đề mình quan tâm, đề nghị AI đặt ra các câu hỏi để nắm thông tin về vấn đề đó.
Sau khi chatbot đã thu thập đủ thông tin, lúc này mới yêu cầu AI gợi ý phương án giải quyết.
Theo TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo, "Blockchain và AI không chỉ là xu hướng công nghệ mà đã trở thành động lực quan trọng trong chuyển đổi số".
Việc ứng dụng thành công hai công nghệ này giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, bảo mật và khả năng thích ứng trước các biến động của thị trường.
"Các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng Blockchain và AI còn có khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhờ vào khả năng quản lý minh bạch, tự động hóa các quy trình và hiểu sâu hơn về khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu", TS Lương chia sẻ.
Trước những biến đổi của thời đại số, các chuyên gia đều đồng tình rằng, việc cập nhật kiến thức về AI và Blockchain là cần thiết để không bị bỏ lại phía sau.