Lo ngại đánh thuế bất động sản thứ 2 khiến thị trường rơi vào tình trạng 'đóng băng'

Bất động sản - Ngày đăng : 15:32, 31/10/2024

Những năm gần đây, khi bất động sản "sốt" giá, nhiều bộ, ngành đã đề xuất biện pháp kiểm soát thị trường, trong đó có chống đầu cơ và điều tiết giá bằng cách đánh thuế bất động sản chưa sử dụng, bị bỏ hoang.

Hiện nay, tình trạng các khu đô thị bỏ hoang diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt ở nhiều thành phố lớn và khu vực ven đô như Hà Nội, TP HCM. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như đầu cơ bất động sản, dự án bất động sản thiếu hạ tầng và dịch vụ công cộng khiến người dân không chuyển đến sinh sống, một số dự án được cơ quan chức năng cấp phép mà không tính đến nhu cầu thực sự của thị trường,...

Một khảo sát với gần 32.000 người mới đây cho thấy, khoảng 70% người tham gia cho rằng nên áp thuế với những bất động sản thứ hai và các tài sản bỏ hoang.

Đề xuất đánh thuế đối với tài sản là bất động sản được đưa ra nhiều lần trong 15 năm qua, song đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa chấp nhận, đồng thuận để có thể triển khai trong thực tế.

Lo ngại đánh thuế bất động sản thứ 2 khiến thị trường rơi vào tình trạng 'đóng băng' ảnh 1
Tình trạng các khu đô thị bỏ hoang diễn ra ngày càng phổ biến.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là thời điểm chưa thích hợp, lo ngại rằng thuế sẽ tác động mạnh đến thị trường.

Đánh thuế bất động sản bỏ hoang và nhà đất thứ hai đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Ngày 28/10 vừa qua, Đoàn giám sát Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và ban hành luật thuế, đặc biệt là áp mức thuế cao hơn đối với những người sở hữu nhiều nhà đất, không sử dụng hoặc bỏ hoang.

Nhiều đại biểu đã đề xuất áp dụng thuế đối với bất động sản nhằm kiểm soát tình trạng đầu cơ và bình ổn thị trường. Đáng chú ý, đại biểu Trịnh Xuân An cùng một số đại biểu khác kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với những người sở hữu từ bất động sản thứ hai trở lên và đây là thời điểm chín muồi để triển khai luật thuế này. Lý do là để hạn chế hiện tượng “đầu cơ bất động sản”, làm tăng giá nhà ở đến mức không hợp lý, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu thực sự và góp phần tạo ra “sốt đất”.

Các đề xuất này hướng đến việc thiết lập mức thuế cụ thể cho từng loại bất động sản, như bất động sản bỏ hoang hoặc không đưa vào khai thác, gây lãng phí tài nguyên và làm giảm hiệu quả sử dụng đất đai. Đây cũng là động thái để giảm tình trạng đầu cơ và giúp thị trường phát triển bền vững, tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người thu nhập thấp.

Các đại biểu cũng đề xuất đánh thuế đối với bất động sản bỏ hoang và hoạt động đầu cơ nhằm kiểm soát thị trường và ngăn ngừa tình trạng “bong bóng” bất động sản.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng chính sách thuế với bất động sản có vai trò quan trọng, cần khẩn trương ban hành để đánh thuế phù hợp với những trường hợp sử dụng nhiều đất hay bất động sản bỏ hoang…

Chính sách thuế hiện nay nên khởi động và có tham vấn cụ thể. Cách đánh thuế có thể dựa theo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện, nên có nhiều tiêu chí. Đơn cử như việc đánh thuế nhà thứ 2 đảm bảo công bằng, giữa nhà có diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu ở của người dân, với mảnh đất có diện tích hàng trăm, hàng nghìn m2. Cần có tiêu chí với các trường hợp để đánh thuế cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc áp thuế ngay lập tức có thể gây ra phản ứng ngược, khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng”. GS.TS - đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, đồng tình với yêu cầu sớm sửa đổi, ban hành mới các luật thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất vì đây là công cụ hữu hiệu để chống đầu cơ, qua đó sẽ giảm giá bất động sản về đúng giá trị thực của thị trường. Đại biểu đề xuất cần có lộ trình rõ ràng và thời điểm phù hợp để thực hiện đánh thuế nhằm tránh gây sốc cho thị trường.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Chi nhánh Hà Nội, thuế là một công cụ mà nhà nước có thể sử dụng, nhưng việc sử dụng như thế nào, với mức độ ra sao, trong bao lâu và ở thời điểm nào cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Bà An cho biết trong trường hợp tăng thuế đối với các hoạt động đầu cơ, có thể đúng là sẽ giảm bớt những giao dịch không cần thiết và hạn chế đầu cơ, nhưng cuối cùng, người chịu tác động vẫn là người mua hoặc thuê nhà.