Một ca khúc siêu hot nhưng đang bị học sinh cuối cấp Hàn Quốc cho vào 'blacklist' vì lý do không thể tin nổi
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 20:30, 30/10/2024
Nhắc đến những kỳ thi áp lực nhất thế giới, nếu Trung Quốc có Cao Khảo, thì ở Hàn Quốc có Suneung hay CSAT - Bài kiểm tra năng lực học thuật đại học. Kỳ thi này kéo dài 9 giờ, thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm.
Tờ Korea Joongang Daily đưa tin, vì đang trong giai đoạn ôn thi nước rút, nên nhiều sĩ tử tại “xứ sở kim chi” đã phải tránh xa bài hát đang thịnh hàng hiện nay của Rosé (BLACKPINK) kết hợp cùng Bruno Mars, là APT.
Được biết, APT đang được coi là "bài hát bị cấm" vì... giai điệu quá cuốn hút. Học sinh Hàn Quốc lo ngại rằng nó có thể gây ám ảnh tâm lý và làm gián đoạn sự tập trung học tập của sĩ tử, đặc biệt là khi Suneung đang đến rất gần vào ngày 14 tháng 11 tới đây.
Bài hát APT của Rosé (BLACKPINK) kết hợp cùng Bruno Mars đang bị học sinh Hàn Quốc cho vào "blacklist"
Trước đó, U R Man (2008) của SS501, Ring Ding Dong (2009) của SHINee và Dumb Dumb (2016) của Red Velvet dù rất nổi tiếng cũng bị cho vào "blacklist" của các sĩ tử vì nghe thì hay đấy, nhưng rất dễ khiến các em thiếu tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ thi.
"Em lo rằng bài hát sẽ vang lên trong đầu em ngay cả trong kỳ thi. Người lớn có thể cười và nói, 'Sao lại căng thẳng vì điều gì đó như thế?' nhưng đối với chúng em, khi đứng trước một kỳ thi quan trọng như vậy, điều đó có thể khiến chúng em cảm thấy bất an", một học sinh nói với Yonhap News vào Chủ Nhật.
Đối với mọi người, earworms (hay những bài hát có giai điệu ám ảnh, cứ văng vẳng mãi trong đầu mọi người) có thể giúp thư giãn tâm trí sau những giây phút căng thẳng, nhưng đối với học sinh, chúng lại gây ra rối loạn.
"Tâm lý của chúng ta mong manh hơn chúng ta nghĩ, và những âm thanh đơn giản, lặp đi lặp lại có thể dễ dàng kích hoạt sự thiên vị về mặt cảm xúc. Thanh thiếu niên dễ bị ám ảnh hơn. Nghe nhạc cổ điển, thực hành thiền nhẹ nhàng, các bài tập thở hoặc giãn cơ có thể giúp xoa dịu tâm trạng lo lắng", giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho của Đại học Dankook cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Yonhap News.
Kỳ thi CSAT "khốc liệt" ra sao?
Điều khiến kỳ thi đại học ở Hàn Quốc "khốc liệt" chính là nằm ở những "câu hỏi sát thủ" - những câu cực kỳ khó và vượt ngoài tầm hiểu biết của đại đa số học phí. Câu hỏi "sát thủ" này đôi khi nằm ngoài phạm vi chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục công lập.
Kỳ thi này quan trọng đến mức, Chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra một loạt các quy định, yêu cầu và khuyến cáo đến các người dân cũng như thí sinh dự thi nhằm phục vụ cho kỳ thi này. Chẳng hạn như năm ngoái, để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra suôn sẻ, máy bay được yêu cầu không được phép cất cánh, hạ cánh vào khoảng thời gian từ 13h05 chiều đến 13h40 chiều các thí sinh làm bài nghe môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, giờ bắt đầu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp cũng sẽ được hoãn lại đến 10h sáng, các ngân hàng thương mại trong nước cũng sẽ mở cửa và đóng cửa muộn hơn 1 tiếng so với ngày thường để phục vụ kỳ thi này.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, những người dự thi CSAT hay còn được gọi là "suneung", phải đến địa điểm thi trước 8h10 sáng với vé dự thi và ID cá nhân. Kỳ thi dự kiến bắt đầu với phần thi tiếng Hàn lúc 8h40. Sau đó, các thí sinh sẽ thi lần lượt nhiều môn như ngoại ngữ, chữ Hán, Toán, lịch sử Hàn Quốc và kết thúc buổi thi vào lúc 17h45.
CSAT được coi là một trong những kỳ thi áp lực nhất thế giới.
Để tham gia kỳ thi này, các bạn học sinh tại Hàn Quốc phải đi học thêm từ sớm, thậm chí là từ mầm non, tiểu học. Các trường luyện thi đại học được gọi là "hagwon". Thông thường, học sinh sẽ chuyển từ các lớp học trên trường sang thẳng các lớp học hagwon buổi tối, sau đó tiếp tục tự học cho đến sáng sớm. Các học sinh cuối cấp dường như không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ có học và học mà thôi!
Cuộc đua giáo dục ở Hàn Quốc gây thiệt hại nặng nề cho cả học sinh và phụ huynh. Các nhà phê bình từ lâu đã lập luận rằng gánh nặng đối với học sinh là một yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD.
Theo Người Đưa Tin