"Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đối tượng đang bỏ trốn nên sớm về đầu thú"
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:20, 30/10/2024
Tại cuộc họp báo chiều 30/10, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An; hoàn thành các cuộc kiểm tra liên quan đến Công ty AIC.
Qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc.
Trả lời báo chí xung quanh việc truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn, ông Đông khẳng định Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ các đối tượng đang bỏ trốn về nước để xử lý theo quy định pháp luật.
"Từ đầu năm tới nay, cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã vận động đầu thú, truy bắt được 9 đối tượng truy nã trong các vụ án do cơ quan điều tra thụ lý và phục hồi điều tra theo quy định", ông Đông nói.
Thường trực Ban Chỉ đạo đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, dù còn nhiều khó khăn vì các đối tượng bỏ trốn lâu rồi, bỏ trốn ra nước ngoài.
"Phải tiếp tục phối hợp với các nước có hiệp định dẫn độ để thực hiện nhiệm vụ này", lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho hay.
Thông tin thêm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, cho rằng các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Công ty Xuyên Việt Oil được Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định là nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra tại nhiều địa bàn và có hồ sơ rất lớn.
Bộ Công an đã bố trí con người, phương tiện, điều kiện nhằm tập trung giải quyết, đảm bảo tiến độ các vụ án. Cơ quan điều tra đang thực hiện cùng lúc 3 việc: Thứ nhất, củng cố chứng cứ trên cơ sở hồ sơ, chứng minh hành vi phạm tội của từng đối tượng một; thứ hai, mở rộng điều tra nhằm "không để sót, lọt tội phạm", "những người liên quan có hành vi phạm tội phải được xét xử"; thứ ba, thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản triệt để.
"Cho đến nay, tiến độ cơ bản hoàn thành; còn một số vụ việc còn chậm do yêu cầu khác nhau", ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu khắc phục các khó khăn, truy bắt các đối tượng truy nã để phục hồi điều tra các vụ án liên quan.
Cơ quan điều tra Bộ Công an triển khai rất nhiều giải pháp, đặc biệt hợp tác quốc tế qua dẫn độ tội phạm, ngoại giao để truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn đưa về nước.
"Tinh thần chung của cơ quan điều tra là rất cương quyết trong tổ chức phát hiện, tìm kiếm truy bắt đối tượng về phục vụ điều tra. Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đối tượng khác đang bỏ trốn nên sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Không trở về mà trốn chạy như thế thì vẫn bị xét xử, không có điều kiện tự bảo vệ mình trước pháp luật. Thông điệp của cơ quan điều tra, Ban Chỉ đạo là các đối tượng này nên sớm trở về", ông Tuyên cho hay.
Tại cuộc họp báo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; nâng tổng số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu năm đến nay là 52 cán bộ. Trong đó có 48 cán bộ bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.