Điểm tin Kinh doanh 31/10: Giá vàng: lên đỉnh lịch sử giá vàng nhẫn
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 31/10/2024
- Giá vàng: lên đỉnh lịch sử giá vàng nhẫn
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 30/10, thị trường vàng trong nước chứng kiến điều chưa từng có khi giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng.
Giá vàng ngày 30/10 giữ nguyên giá vàng miếng ở mốc 89 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 87 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 30/10 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 87 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 30/10 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 30/10, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra ở một số thương hiệu vàng lớn.
Giá vàng hôm ngày 30/10, lập đỉnh lịch sử giá vàng nhẫn trong nước.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 30/10, tăng mạnh ở một số thương hiệu vàng, lên mức cao nhất lịch sử, hơn 89 triệu đồng/lượng, chứng kiến lần đầu tiên giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng trong nước.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 88,6 – 89,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước, lập kỷ lục mới của giá vàng nhẫn trong nước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 87,5 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở ngưỡng 88,58 – 89,58 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 30/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 30/10 tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 32,8 USD, lên 2.775,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.786,5 USD/ounce, tăng 30,2 USD so với rạng sáng cùng ngày.
Tiếp tục được thúc đẩy bởi lo ngại bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ, căng thẳng ở Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11, giá vàng tăng "phi mã" và cán mốc cao nhất mọi thời đại. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 34%.
- MWG: Hàng tồn kho gần 22.000 tỷ đồng, tiền mặt giảm mạnh
Riêng tháng 9, doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 11.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và nhích thêm 3% so với tháng 8, ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh thu đạt 99.767 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 80% kế hoạch năm (125.000 tỷ đồng).
Riêng tháng 9, doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 11.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và nhích thêm 3% so với tháng 8, ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Lãi ròng quý 4 gần 806 tỷ đồng, cao gấp gần 21 lần so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023. Khoản lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt giá trị 2.881 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần so với nền thấp cùng kỳ 2023.
Xét theo mảng kinh doanh, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh đạt doanh thu tổng cộng 66.700 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong tháng 9, MWG thu khoảng 7.800 tỷ đồng từ các sản phẩm điện thoại, máy tính, điện máy, tăng 8% so với cùng kỳ và tăng gần 4% so với tháng trước.
Theo MWG, doanh số tích cực trong tháng của chuỗi, chỉ sau mùa cao điểm máy lạnh, phần lớn nhờ sản phẩm iPhone khi doanh số iPhone tháng 9 tăng hơn 50% so với tháng 8 sau vài ngày mở bán sản phẩm mới. Ngoài ra, ngành hàng máy tính xách tay duy trì tăng trưởng ổn định theo tháng trong mùa tựu trường, cùng với ngành máy giặt tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn mưa nhiều.
Tính đến cuối tháng 9, MWG có 1.023 cửa hàng Thế giới Di động (bao gồm Topzone), giữ nguyên so với cuối tháng 8. Trong khi đó, chuỗi Điện Máy Xanh giảm 1 điểm bán, còn 2.030 cửa hàng.
Chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn duy trì 326 cửa hàng, không thay đổi so với tháng trước. Chuỗi điện máy tại thị trường Indonesia, Erablue, tiếp tục mở rộng với 76 điểm bán, tăng 5 điểm so với cuối tháng 8.
Đối với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 30.300 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Riêng tháng 9, doanh thu gần 3.600 tỷ đồng, tương đương tháng trước. Các ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì tăng trưởng ổn định, với doanh thu bình quân tháng 9 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt mức này, trong bối cảnh quy mô liên tục mở rộng. Số lượng cửa hàng cuối tháng 9 đạt 1.726, tăng 5 so với cuối tháng trước.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản 66.900 tỷ đồng, tăng 6.800 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty là 19.765 tỷ đồng. Con số này giảm gần 2.000 tỷ đồng so với số đầu năm và tăng 1.700 tỷ so với cuối quý 3/2024.
Thay vào đó, MWG sử dụng hơn 11.536 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ so với đầu năm đem đi đầu tư trái phiếu và các khoản đầu tư khác kỳ hạn dưới một năm, hưởng lãi suất áp dụng. Trong quý 3/2024, MWG đã lãi hơn 300 tỷ đồng nhờ đầu tư trái phiếu. Lũy kế 9 tháng, MWG lãi tổng cộng hơn 410 tỷ đồng nhờ đầu tư trái phiếu.
Khoản mục chiếm phần lớn nhất trong tài sản của MWG (33%) là hàng tồn kho, ở mức 21.853 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn là 7.355 tỷ đồng.
- Lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, Volkswagen có thể đóng cửa các nhà máy
Đại diện nhân viên cấp cao của hãng sản xuất ô tô này đã nói với công nhân rằng ban quản lý đã phải lên kế hoạch đóng cửa ba nhà máy ở Đức để cắt giảm chi phí trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm.
Volkswagen có thể đóng cửa tới ba nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn công nhân khi tìm cách giành lại lợi thế ở châu Âu trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.
Việc đóng cửa sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của công ty, nhà tuyển dụng lớn nhất của Đức, và sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế vốn đã trì trệ của đất nước này.
Người đại diện, Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng đại diện cho nhân viên của công ty tại Đức, đã thông báo tới các công nhân tại nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg rằng việc đóng cửa theo đề xuất là một phần của kế hoạch mà các nhà quản lý đã trình lên hội đồng công nhân.
Công ty "muốn đóng cửa ít nhất ba nhà máy của VW, thu hẹp quy mô tất cả các nhà máy còn lại, thoái vốn khỏi các lĩnh vực cốt lõi và trên hết là thực hiện cắt giảm lương mạnh cho những nhân viên còn lại”.
Volkswagen cũng đang cân nhắc cắt giảm lực lượng lao động tại các nhà máy ở Đức vẫn sẽ mở cửa, bà Cavallo cho biết thêm, “cụ thể, điều này có nghĩa là phải cắt giảm nhiều sản phẩm, khối lượng, ca làm việc và toàn bộ dây chuyền lắp ráp hơn nhiều so với những gì chúng tôi đã làm".
Volkswagen là thương hiệu hàng đầu của Tập đoàn Volkswagen, bao gồm Audi và Porsche.
- Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai bất ngờ 'cháy hàng'
Sau 3 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đón dòng tiền mua mạnh và tăng kịch biên độ phiên 30/10.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch ảm đạm ngày 30/10. Dù khởi đầu trong sắc xanh, chỉ số VN-Index sớm hạ độ cao và bị ghìm dưới tham chiếu khi một số cổ phiếu bluechip bị bán mạnh.
Xuyên suốt phiên giao dịch, chỉ số nằm "chịu trận" trước nguồn cung và không ghi nhận bất kể nỗ lực đáng kể nào.
Kết phiên, VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,25%) xuống 1.258,63 điểm. Trên sàn Hà Nội, 2 chỉ số chính là HNX-Index và UPCoM-Index ngược chiều khi tăng lần lượt 0,32 điểm (+0,14%) lên 225,88 điểm và 0,14 điểm (+0,15%) lên 92,46 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn tiếp tục giảm thấp, chỉ hơn 14.200 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa với 347 mã tăng (gồm 23 mã tăng trần), 875 mã giữ tham chiếu và 385 mã giảm (gồm 17 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm 30/10 đóng góp 17 mã giảm, 5 mã giữ tham chiếu và 8 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ này qua đó giảm gần 2 điểm xuống 1.333 điểm.
Phiên hôm 30/10, cổ phiếu VHM đóng vai "phản diện" khi giảm 3,7% xuống 41.150 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10.
Kể từ thời điểm bắt đầu đợt mua 370 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam liên tục suy giảm. So với đỉnh gần nhất tại phiên 22/10, cổ phiếu VHM đã giảm 14%.
Vốn hóa của Vinhomes cũng vì thế giảm xuống mức 179.000 tỷ đồng, nằm trong top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Ngoài VHM, các cổ phiếu dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số hôm nay còn có VCB (-0,3%), VNM (-1%), VIC (-0,9%), CTG (-0,6%).
Chiều ngược lại, nhóm bảo vệ chỉ số hầu hết là cổ phiếu ngân hàng như TCB (+1%), STB (+2,2%), BID (+0,3%), HVN (+1,6%), VIB (+1,3%).
Thị trường hôm 30/10 cũng xuất hiện một số hiện tượng như mã QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng kịch biên độ. Diễn biến này xảy ra sau khi QCG đã giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Cổ phiếu NVL của Novaland hôm 30/10 cũng tăng 3,4% với thanh khoản cao đột biến. Khối ngoại cũng chi hàng tỷ đồng mua vào cổ phiếu này.
Sau phiên mua ròng hôm 29/10, đến nay, ngày 30/10, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trở lại với quy mô 131 tỷ đồng, trong đó tập trung xả MSN và STB cùng giá trị 83 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền ngoại tìm đến một số cổ phiếu ngân hàng như VPB (+140 tỷ), TCB (+125 tỷ) và FPT (+108 tỷ đồng).
- HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp
Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III, nối dài chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp.
Cụ thể, quý vừa qua, HAGL Agrico đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần (thấp hơn cùng kỳ 12%), lỗ ròng 182 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng). Đây cũng là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của HAGL Agrico (quý I/2021 là thời điểm gần nhất HAGL Agrico có lãi).
Theo giải trình của HAGL Agrico, doanh thu cây ăn trái kỳ này chỉ đạt 50 tỷ đồng khi sản lượng chỉ đạt 2.903 tấn, giảm 56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm so với cùng kỳ (từ 1.920 ha giảm còn 494 ha), do diện tích vườn chuối trồng lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp với việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng mang lại hiệu quả trong thời gian tới.
Về cây cao su, sản lượng quý III là 2.401 tấn, doanh thu đạt gần 90 tỷ đồng. Công ty cho biết, tổng diện tích vườn cao su đã trồng hoàn thiện là 15.192 ha, tuy nhiên diện tích có thể khai thác hiệu quả chỉ đạt 4.932 ha.
Một nguyên nhân khác khiến HAGL Agrico thua lỗ là chi phí tài chính phát sinh hơn 116 tỷ đồng trong kỳ. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ có gốc ngoại tệ là 54 tỷ đồng, chi phí lãi vay phát sinh từ gốc vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu là 62 tỷ đồng.
Khoản lỗ quý III đào sâu thêm kết quả lũy kế của HAGL Agrico. 9 tháng đầu năm, công ty đạt 288 tỷ đồng doanh thu thuần (thấp hơn cùng kỳ 34%), lỗ trước thuế 549 tỷ và và lỗ ròng hơn 546 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 446 tỷ).