Người đi tìm 'năng lượng tích cực' từ văn hóa

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 11:23, 30/10/2024

Phê bình, phản biện hay đơn giản là ghi chép và bày tỏ quan điểm trước những vấn đề của đời sống văn hóa tưởng như rất khô khan và ‘khó đọc’. Nhưng bên trong bộ đôi “Thời đàm văn hóa văn nghệ” và “Những người cầm tinh hoa” của tác giả Nguyễn Quang Hưng do SBOOKS mới ra mắt, có thể người đọc sẽ phải ‘xét mình’ và trăn trở.

Tác giả Nguyễn Quang Hưng hiện đang công tác tại Báo Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân Dân, đồng thời là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam.

Làm báo và viết văn, Nguyễn Quang Hưng có điều kiện để mài giũa sự quan sát và chắt lọc từ cuộc sống để biến những không khí thời sự thành trang viết sắc sảo bằng sự cẩn ngôn. Anh đã tận dụng tốt lợi thế của những người vừa làm việc thực tế vừa sáng tạo nghệ thuật là điều kiện ghi chép, đối chiếu, gặp gỡ lẫn lật trở vấn đề.

bula6119.jpg

Tự nhận mình là: “người nói rất nhiều trên báo và lắm lời trong việc góp ý. Tôi thường xuyên quan sát đời sống văn hóa nghệ thuật và gửi lời góp ý, đôi khi bạn bè của tôi làm công tác văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ở đâu đó cũng thấy phát phiền với tôi. Nhưng tựu trung lại, các hoạt động văn hóa văn nghệ đều hướng đến công chúng, nếu nó tích cực thì nó làm đẹp làm giàu, nhưng nó là những giả hiệu thì nó sẽ gây hại cho công chúng. Mà cái hại về văn hóa là cái hại có ảnh hưởng lâu dài…”

Không đanh thép, hùng hồn, “Thời đàm văn hóa văn nghệ” là những chia sẻ, bình luận về thực trạng văn hóa văn nghệ nước ta hiện nay, mang đúng tính thời đàm, phơi bày các vấn đề thời sự. Các bài viết đều được đăng tải trên các chuyên mục “Thời đàm”, “Chuyện thường ngày”của ấn phẩm Thời Nay (Báo Nhân Dân) nơi anh đang công tác, và tại chuyên mục “Diễn đàn Nhân Dân cuối tuần”, trên Nhân Dân cuối tuần.

Trong khi đó, “Những người cầm tinh hoa” là tản văn chắt lọc suy tư về văn hóa như ngưỡng vọng dành riêng cho những ai đang lưu giữ nét đẹp truyền thống.

Như đoạn viết của tác giả: "Những gì đã đẹp tươi còn ủ lửa xanh non trong đất mềm. Qua tháng năm đằng đẵng sương giá, một tuổi nào đấy trải nghiệm va vấp đã trầy trượt căng vỡ ra rồi. Sẽ vượt lên! Những gì đã tươi sáng thế, nay vẫn thấy gợi, thấy đẩy, thấy kéo mình, vẫn vương vương găm vào mình như cỏ may, như hơi nước sau mưa trên lối ra vườn." (Trích “Những người cầm tinh hoa”).

Có những bài viết là suy tư của tác giả về câu chuyện viết văn, làm bạn với con chữ như: Những ngọn lửa ban đầu; Bạn văn, thầy văn; Bút giấy hoa niên... Hay những bài viết giúp độc giả chiêm nghiệm thêm những giá trị văn hóa dễ lãng quên đi trong một giây phút nào đó vì những lo toan vật chất như: Xóm giềng quan họ; Xuân Tết quanh năm; Củi lửa chờ xuân...

bula6513.jpg

Chia sẻ về ý tưởng cho tác phẩm, anh nói: “Tôi xin phép được mượn ý thơ của thầy tôi, thầy Hùng Vĩ viết trong bài thơ Quan họ: ‘Đầu thai câu quan họ/Ta cầm tinh nỗi buồn.’ để nói về cái cầm tinh của mỗi con người. Nói về cầm tinh theo nghĩa phổ biến nhất, là mỗi người cầm một con giáp nào đó. Tôi liên tưởng rằng, mỗi người chúng ta đều có cầm những bông hoa trong người khi chúng ta yêu văn hóa văn học, khi chúng ta thưởng thức nghệ thuật, bông hoa trong chúng ta sẽ lên tiếng.”

Tiến sĩ Hà Thanh Vân - khách mời trong buổi ra mắt sách, nhận xét về tác phẩm “Thời đàm văn hóa văn nghệ”: “Cuốn sách này chắc chắn là bán chạy hơn biếu chạy, và thuộc loại phê bình báo chí. Nó khác với thể loại phê bình hàn lâm mà những người nghiên cứu như chúng tôi thường làm, thể loại phê bình báo chí để tiếp cận công chúng rộng rãi, sâu sắc hơn, có những chính kiến sắc sảo, thời sự. Những vấn đề nóng sốt của xã hội đều được đề cập kịp thời trong cuốn sách, như những vấn đề về phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, quản lý di sản, chuyện đề thi, tập tục lễ tết, tín ngưỡng, v.v…”

Nhận xét chung về cả hai cuốn sách, Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ: “Phần cuối tác phẩm “Thời đàm văn hóa văn nghệ” là “Sáng tạo cùng tinh hoa”, trở về lại cùng với yếu tố tinh hoa. Mặc dù là phê bình, phản biện những nóng sốt, nhưng thực tế lại là sự bổ sung cho tác phẩm “Những người cầm tinh hoa”, mục tiêu là hướng độc giả là nhận diện phương thức để văn hóa văn nghệ đích thực đảm nhiệm vai trò tinh hoa trong xã hội.”

Bình An (tổng hợp)