Tiếp nhận hơn 220.000 lượt phản ánh lừa đảo của người dùng Việt

Cuộc sống số - Ngày đăng : 19:24, 29/10/2024

Trong 10 tháng đầu năm nay, các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tiếp nhận hơn 220.000 lượt phản ánh lừa đảo, với phần lớn các trường hợp liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Con số đáng báo động kể trên vừa được ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chia sẻ tại phiên toàn thể hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024, được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và IEC phối hợp tổ chức ngày 29/10 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, Smart Banking năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành ngân hàng.

W-an toan thong tin nganh ngan hang 03 1.jpg
Smart Banking 2024 có chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”. Ảnh: Tín Lê

Nhận định chủ đề của Smart Banking 2024 rất thiết thực với các ngân hàng, cùng với việc điểm ra một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số của ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chỉ rõ: Việc kết nối, tích hợp với nhiều đơn vị cũng đưa đến những nguy cơ lớn cho ngân hàng.

Cụ thể, ngoài nguy cơ mất an toàn nếu làm không cẩn thận, một nguy cơ khác với các ngân hàng là phải dừng cung cấp dịch vụ, khi một thành tố trong hệ sinh thái gặp vấn đề.

W-an toan thong tin nganh ngan hang 04 1.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, là một bước tiến giúp bảo vệ người dùng dịch vụ ngân hàng trước các gian lận, lừa đảo. Ảnh: Tín Lê

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo - AI, blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa.

Thống kê cho thấy, đến nay, hơn 87% người dân Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; nhiều ngân hàng có trên 95% giao dịch được xử lý trên kênh số.

Những chuyển biến tích cực của ngành ngân hàng không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng.

“Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Cạnh tranh ngày càng gia tăng, yêu cầu về bảo mật thông tin và sự tuân thủ quy định pháp luật ngày càng nghiêm ngặt hơn”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

W-an toan thong tin nganh ngan hang 02 1.jpg
Ông Lê Văn Tuấn cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2024, các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận hơn 220.000 lượt phản ánh lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Tín Lê

Trao đổi ở góc độ của đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Lê Văn Tuấn nêu quan điểm: Hệ thống giao dịch trực tuyến là huyết mạch của nền kinh tế số, các sự cố, tấn công mạng vào lĩnh vực ngân hàng có thể làm thay đổi, đảo lộn hoạt động của nền kinh tế và an ninh, an toàn xã hội.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng có 2 trách nhiệm song hành đặc biệt quan trọng, bao gồm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo các hệ thống, giao dịch an toàn thông suốt; và bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng và người sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng giờ đây là một yếu tố cốt lõi, sống còn với sự tồn tại và danh tiếng của và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

"Chuyển đổi số quốc gia nói chung và quá trình chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng sẽ không thể phát triển, không thể thành công nếu các hệ thống thông tin không an toàn, nếu như người dân không thấy an tâm khi sử dụng các dịch vụ số và giao dịch trực tuyến”, ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.

W-an toan thong tin nganh ngan hang 1.JPG.jpg
Ông Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng A05 (bên phải) trao đổi tại phiên đối thoại của Smart Banking 2204. Ảnh: Tín Lê

Chia sẻ tại phiên đối thoại, Đại tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an), những năm qua, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai các biện pháp để bảo vệ khách hàng của mình như rà soát trong phạm vi khách hàng của mình, những trường hợp nào, tài khoản nào tiềm ẩn rủi ro.

Tuy vậy, đại diện A05 cũng cho biết, thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn có những ngân hàng chưa thực sự quan tâm rà soát, đánh giá và tự phân loại khách hàng của mình để chủ động phòng ngừa những nguy cơ, rủi ro cho người dùng dịch vụ của đơn vị mình.

Các chuyên gia đều cho rằng, thời gian tới hệ thống của các ngân hàng phải được nâng cao hơn nữa sức đề kháng, với năng lực an toàn, an ninh mạng toàn diện để có thể chống lại các tác nhân tấn công từ cả bên trong và bên ngoài hệ thống.

Song song đó, các ngân hàng cũng được khuyến nghị cần tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng, bảo vệ người dùng khỏi những nguy cơ, rủi ro an toàn thông tin và lừa đảo trực tuyến.