Câu chuyện tình yêu: 55 năm tình nồng
Gia đình - Ngày đăng : 16:52, 29/10/2024
Thầy Hùng và cô Hường trong bộ ảnh kỷ niệm 55 năm bên nhau |
Nhắc tới thầy Lam Phi Hùng - nguyên Hiệu phó Trường THCS Đoàn Thị Điểm - và cô Nguyễn Thị Mỹ Hường - nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hòa 1 - ở TP Cần Thơ, nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ thương và kính trọng, không chỉ bởi tâm huyết với nghề, mà còn bởi thầy cô là tấm gương mẫu mực về nhân cách sống và hình mẫu gia đình hạnh phúc.
Những cuốc xe đêm
Thầy Phi Hùng và cô Mỹ Hường từng là “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” dưới mái trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Những năm tháng học chung, thầy để ý tới cô bạn hiền lành hay cuốc bộ đến trường. Còn cô thì ấn tượng với anh bạn học giỏi, tính tình nghiêm túc. Tình cảm thuở ban đầu e ấp không ai dám nói ra. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, học đại học, ra trường nhận nhiệm sở, 2 người mới đến với nhau và chính thức về chung một nhà vào năm 1969.
10 năm về chung nhà, 2 người có với nhau 5 mặt con. Họ dìu nhau qua hết nhọc nhằn của những năm còn chiến tranh cho đến giai đoạn bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Cô Hường kể: “Lúc đó, nhiều khi cả nhà phải ăn cháo thay cơm, người cứ lơ lửng lâng lâng vì ăn không đủ chất. Không ít bạn bè, đồng nghiệp dù không muốn cũng đành phải bỏ nghề dạy học vì cuộc sống khó khăn. Để giữ nghề, nuôi con, thầy có thêm nghề tay trái là chạy xe đạp ôm”.
Thầy Hùng bên bức tường có tranh minh họa phương tiện xe lôi ngày xưa ở Cần Thơ, gợi nhớ một thời thầy chạy xe lôi kiếm tiền nuôi nghề dạy học - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngày nào cũng vậy, ròng rã gần 10 năm trời, sau khi tan trường cỡ 5 - 6g chiều, thầy Hùng lại đậu xe ở dốc cầu Nhị Kiều, Cần Thơ chờ đón khách. Thầy cần mẫn kiếm từng cuốc xe đến tận 11 - 12g đêm mới về nhà. Gom góp, cóp nhặt từng chút một, thầy “nâng cấp” từ xe đạp ôm lên xe máy ôm. Thương anh giáo dạy văn hiền lành, có người bạn bán rẻ cho cái thùng xe lắp vào, vậy là thầy có chiếc xe lôi chở khách.
“Có lần, trời đã tối, tôi chở một vị khách về nhà. Vì trời tối nên 2 bên không nhận ra nhau, tới khi xuống xe mới biết thì ra đó là một em học trò. Thấy vậy, tôi không lấy tiền. Em ấy lại nhất định trả tiền bằng cách đặt tiền lên yên xe rồi bỏ chạy. Tôi cầm tiền đuổi theo em trả lại. Em vấp ngã, làm đổ bịch gạo đang xách, thế là thầy trò lúi húi ngồi hốt từng nắm gạo” - thầy Hùng nhớ lại kỷ niệm của một thời gian khó.
Vất vả là vậy nhưng bất kể mưa nắng, quanh năm suốt tháng, thầy Hùng hiếm khi nghỉ chạy xe. 1 năm, thầy chỉ nghỉ đúng mùng Ba tết, bởi hôm ấy là ngày các học trò đến nhà chúc tết thầy cô. Gọi là “mùng Ba tết thầy” cho sang, chứ học trò đến với thầy cô trong những năm tháng khó nghèo ấy hoàn toàn chỉ với tấm lòng.
Ông bà và các con những ngày gian khó - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Để đón tiếp học trò tới chơi, mấy ngày trước đó, dù khó khăn cỡ nào, cô Hường cũng ráng kiếm trứng gà, đường, bột, nạo trái dừa… để nướng bánh kẹp, đổ bánh bông lan, làm mứt dừa đãi các em. “300 cái bánh, các em ăn vèo một loáng là hết, thầy trò ngồi nói chuyện, chúc tết vui vẻ lắm. Tết năm nào, thầy cô cũng giữ cái lệ như vậy” - Cô Hường nói.
Giữ trọn nếp nhà
Thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, hàng hóa khan hiếm, cô Mỹ Hường từng phải hy sinh những chiếc áo dài của mình để lấy vải may áo cho các con. Có lần, người bạn tặng cho 1,5m vải kate quý giá, cô Hường ngồi cắt nhín từng chút một, ráng sao đủ 2 cái áo sơ mi cho thầy mặc đi dạy và cậu con trai út mặc đi học.
Quần áo ít ỏi, lại đa phần là tự may tay nên cũng không có nhiều kiểu cọ; thế nhưng mỗi khi lên lớp, thầy cô luôn xuất hiện thật chỉn chu, tươm tất trước học trò. Dù bận cách mấy, mỗi ngày, cô đều dành thời gian quạt lửa đốt than, gắp bỏ vô cái bàn ủi con gà để ủi phẳng phiu quần áo cho thầy đi dạy; bởi thầy cô quan niệm: giấy rách luôn phải giữ lấy lề, dù có khó khăn vất vả mưu sinh thế nào thì khi đến lớp, người thầy luôn phải là hình mẫu cả về kiến thức, tư cách, tác phong để các em nhìn vào đó mà tu dưỡng.
Thầy và cô là tấm gương mẫu mực về nhân cách sống và hình mẫu gia đình hạnh phúc - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Không phụ lòng ba mẹ, 5 người con của thầy cô đều đã học thành tài, có người là tiến sĩ, người là kỹ sư, người công tác ở trường đại học, người làm hiệu trưởng… 11 cháu nội, cháu ngoại cũng chăm ngoan, học giỏi. Bây giờ, ngoài cái lệ đón học trò mùng Ba tết, gia đình thầy Hùng, cô Hường còn có thêm “ngày hội khuyến học” cấp gia đình vào tháng Bảy hằng năm.
Chọn tháng Bảy vì đó là lúc các cháu đã có kết quả học tập của cả năm học. Tiêu chuẩn của ông bà rất thoáng, không chạy theo thành tích. Chỉ cần cháu nào được lên lớp là ông bà thưởng cho 200.000 đồng mua sách vở. Đây cũng là dịp thầy, cô kể về những tấm gương hiếu học, kể lại kỷ niệm vui buồn của cả quãng đời dạy học cho các cháu nghe.
Giờ đây, khi thầy Hùng đã về hưu 15 năm, còn cô Hường về hưu đã 20 năm, khi con cái đều thành đạt, kinh tế vững vàng thì 2 người vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị, thanh đạm như ngày xưa.
Bộ ảnh được chụp tại Đà Lạt nên cảnh sắc rất lãng mạn - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sáng, vợ chồng lót dạ bằng củ khoai, gói xôi hay ổ bánh mì. Ăn sáng xong, thầy cô làm vài ván cờ tướng để đầu óc linh hoạt, rèn luyện trí nhớ. Đến trưa, có khi cô Hường vào bếp lo cơm nước, có khi còn nấu luôn cho các con nếu con bận công tác, họp hành mà ghé qua gửi thức ăn nhờ mẹ nấu giùm.
Nói về bí quyết giữ hạnh phúc, cả thầy Hùng và cô Hường đều tâm đắc với quan niệm: “Muốn bền chặt phải chân thật, chung thủy và bao dung. Ai trên đời này cũng có khuyết điểm. Đừng chỉ chăm chăm vào khuyết điểm mà phải biết nhìn ra mặt tốt của người kia thì mới sống với nhau lâu dài”.
Bộ ảnh cưới đặc biệt Tháng 7/2024, “ngày hội gia đình” của thầy Hùng, cô Hường đặc biệt hơn mọi năm khi được tổ chức ở Đà Lạt. Con gái mua cho cô Hường chiếc váy voan trắng dài. Áo hơi rộng, mấy mẹ con tỉ mỉ bóp lại cho vừa người. Chiếc lúp trắng cài đầu được người bạn cho mượn. Mấy đứa cháu xúm xít lựa mua cho bà một bó hoa… cô dâu. Các con cũng chuẩn bị cho ba bộ vest lịch lãm. Các món phụ kiện khác như kính, nón, khăn quàng cổ, cà vạt… cũng được trang bị không thiếu thứ gì. Một người bạn là nhiếp ảnh gia được mời đến. Địa điểm chụp ảnh là rừng thông Đà Lạt. Đánh chút phấn, thoa chút son, cầm trên tay bó hoa hồng, cô Hường thực sự trở thành cô dâu; còn thầy Hùng lịch lãm trong bộ vest xám là chú rể. 2 người đã có những bức ảnh thật đẹp kỷ niệm 55 năm ngày cưới. |
Con cháu trong ngày “ngày hội gia đình” của thầy Hùng, cô Hường tại Đà Lạt |
Nửa thế kỷ chung nhà, chỉ cãi nhau chuyện… dạy học Cô Mỹ Hường kể, 55 năm làm vợ chồng, thầy cô hầu như không cãi nhau chuyện tình cảm, bởi trong cuộc sống, 2 người luôn giữ trọn đạo vợ chồng. Ngoài tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, họ còn có tình đồng nghiệp. Bình thường, cô Hường hiền dịu là vậy, nhưng khi đụng đến các vấn đề chuyên môn, thi cử, bài vở, cô lại rất quyết liệt. Và hầu như những cuộc tranh cãi của họ cũng chỉ liên quan đến chuyện dạy học. Có lần, thầy cô đi chấm thi. Theo đáp án bài thi thì nếu trả lời đủ 4 ý sẽ được 1 điểm, nhưng chỉ cần sai 1 trong 4 ý thì học sinh không được điểm nào. Theo cô, như vậy là vô lý, tội học trò, còn thầy thì nghĩ khác. “Vợ chồng cãi nhau gần 2 tiếng đồng hồ chưa ngã ngũ. Hôm sau, tôi lên phòng giáo dục… tiếp tục cãi. Cuối cùng, lần đó tôi… cãi thành công, phòng giáo dục quyết định nếu học sinh làm đủ 3/4 ý thì được 0,25 điểm” - cô Hường kể lại. |
Châu Minh