Có hiện tượng lách xác thực sinh trắc học để mở tài khoản ngân hàng
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:32, 29/10/2024
Ngày 29/10/2024, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024.
Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: chiến lược vận hành an toàn và bền vững,” sự kiện Smart Banking năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số.
Số vụ lừa đảo giảm rõ rệt
Phát biểu tại hội thảo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai các giải pháp bảo mật trong thanh toán trực tuyến và Thông tư 17/2024/TT quy định việc mở và sử dụng tài khoản có hiệu lực, số vụ lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận định về mặt không gian pháp lý đối với ngân hàng số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở cửa và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được.
Cụ thể, ngân hàng là bộ ngành đầu tiên cho phép mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021. Và mới đây nhất, từ ngày 1/10/2024, ngân hàng cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn…
Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Các ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tới 85 tỷ USD vào năm 2030 cho AI tạo sinh (GenAI), tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%.
“Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ,” Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97%-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hàng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Có thể nói, tỷ lệ số hoá của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế như kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông… Mặc dù vậy, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.
“Sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình,” ông Phạm Tiến Dũng nói.
Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, ông Phạm Tiến Dũng cho biết sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt.
Dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện vấn đề về an ninh, an toàn trong thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo.
Ông Hùng chia sẻ thêm, toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chú trọng đến hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.
“Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký,” ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác. Vì các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền của Nhà nước. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ ngành ngân hàng, mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn còn trên mọi lĩnh vực. Chứng khoán, nhà đất, du học, tuyển dụng... Do đó đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có căn cước công dân để truy xuất được.
Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Tuấn cho hay để đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin, từng đơn vị trong ngành ngân hàng cần có kế hoạch, chiến lược toàn diện để giám sát, phát hiện, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố cho chính đơn vị của mình; cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng phòng ngừa.../.