Ngân hàng săn đón doanh nghiệp

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:48, 29/10/2024

Các ngân hàng tung loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vẫn dè dặt, ngại vay

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy lãi suất cho vay bình quân của các NH thương mại đến tháng 9-2024 đối với khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7% - 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Tràn ngập các gói tín dụng ưu đãi

Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp được các NH thương mại thiết kế riêng cho từng đối tượng khách hàng như: cá nhân và doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh liên tục tung ra nhằm đẩy vốn vay ra nền kinh tế trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, hạn mức (room) tín dụng còn nhiều.

Mới nhất, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô 15.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân và DN. Cụ thể, với khách hàng DN, lãi suất vay chỉ từ 4,5%/năm và khách hàng cá nhân chỉ từ 5,5%/năm khi vay sản xuất - kinh doanh, áp dụng cho kỳ hạn vay tối đa 3 tháng.

NH Đông Nam Á (SeABank) tung gói vay 5.000 tỉ đồng lãi suất từ 4,5%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân bổ sung vốn kinh doanh (kỳ hạn 3 tháng); lãi suất 5,5%/năm (kỳ hạn 6 tháng) và 6,7%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Đối với các khoản vay trung dài hạn mục đích vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng, lãi suất là 5,5%/năm (kỳ hạn từ 12 tháng), miễn phí trả nợ trước hạn sau 5 năm…

Theo các NH, quý IV là thời điểm nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng cao, phục vụ mùa lễ Tết sắp đến. Việc kịp thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất nhằm đồng hành với người dân, DN đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chỉ riêng Agribank đã triển khai tới 6 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Ảnh: LAM GIANG
Chỉ riêng Agribank đã triển khai tới 6 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Ảnh: LAM GIANG

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai 6 gói tín dụng ưu đãi cho DN. Trong đó, gói tín dụng đặc thù cho DN quy mô 20.000 tỉ đồng có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. DN trong lĩnh vực nông - thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất rất ưu đãi này.

Hay gói tín dụng quy mô 60.000 tỉ đồng, lãi suất chỉ từ 3,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng cho DN quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông - lâm - thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... "Chúng tôi không thiếu vốn, có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn của DN, nhất là với TP HCM - vùng kinh tế trọng điểm của cả nước" - ông Ngọc nói.

Tại NH Á Châu (ACB), gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho các DN trong chương trình kết nối ở TP HCM, với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm và lãi suất cho vay trung dài hạn từ 6,4%/năm cũng đang được triển khai.

Ưu tiên giảm nợ hơn vay mới!

Các mức lãi suất này theo cả lãnh đạo NH và DN là hợp lý nhưng tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay vẫn "quá khó". Bởi DN tốt, có sức khỏe tài chính lành mạnh thường đã có khoản vay tại NH hoặc không có nhu cầu vay thêm.

Tại TP HCM, số liệu của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống chưa tới 6%, thấp hơn mặt bằng bình quân của cả nước, dù lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, lý giải kinh tế TP HCM đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng các lĩnh vực đầu tư công, thị trường bất động sản còn chậm, cầu tiêu dùng chưa khôi phục đáng kể. Sức cầu tiêu dùng chậm, hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm yếu nên chưa kích thích DN vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Chưa kể, với một số DN, vấn đề lớn khi tiếp cận vốn là tài sản thế chấp, minh bạch trong báo cáo, chứng minh dòng tiền…

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn - nói bản thân DN đang tìm các NH có mức lãi suất thấp để vay vốn, dù nhu cầu vốn không quá bức thiết. Bởi thực tế, DN rất thận trọng trong việc vay thêm vốn mà ưu tiên bán hàng thu tiền về rồi tái đầu tư, quay vòng vốn lưu động từ tiền bán hàng.

"Nhiều DN vừa và nhỏ đang hoạt động ổn định sẽ không muốn vay thêm mà muốn giảm nợ. Vì vay nhiều thì chi phí tài chính tăng trong khi sức cầu thị trường chưa thật sự khởi sắc. Do đó, DN ưu tiên tìm NH có chính sách ưu đãi để tiếp cận vốn" - ông Trần Việt Anh nêu thực tế.

Thực tế này dẫn tới việc không ít DN tốt được nhân viên tín dụng của nhiều NH "săn đón", mời vay vốn; trong khi những DN cần vốn nhưng không còn tài sản thế chấp, không chứng minh được phương án tài chính sẽ không đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), nói gần đây có nhiều NH liên hệ ông mời cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nhưng hoạt động của Bidrico không cần quá nhiều vốn vay thêm khi sức cầu hàng hóa, sản phẩm vẫn chưa thật sự đột phá. DN chủ yếu bán hàng, thu tiền về để quay vòng vốn nên không cần vay vốn lưu động từ NH.

Ở góc độ quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cởi mở hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy DN phục hồi nhanh hơn. NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng ưu đãi…

Có thể giảm thêm lãi suất

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH Tiên Phong (TPBank), cho biết hết quý III/2024, tăng trưởng tín dụng tại TPBank xấp xỉ 14% và đang nỗ lực đẩy vốn cuối năm tập trung vào DN vừa và nhỏ, xuất nhập khẩu, hộ kinh doanh… Một số khách hàng DN lớn cũng có nhu cầu phát sinh vốn cho sản xuất - kinh doanh.

Về khả năng giảm thêm lãi suất, lãnh đạo TPBank cho hay mặt bằng lãi suất từ đầu năm tới nay đã giảm và duy trì ở mức thấp. Nếu để NH chủ động giảm bằng cách nỗ lực tiết giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận… thì có thể giảm thêm 0,5 đến 1 điểm % lãi vay. "Nếu thị trường thuận lợi hơn, NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng dồi dào; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất thêm từ nay tới cuối năm sẽ góp phần tạo dư địa để lãi suất cho vay đi xuống" - ông Nguyễn Hưng nói.