Người dùng Việt cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:00, 28/10/2024
Các ngân hàng, tổ chức tài chính vẫn luôn là những đơn vị thường xuyên bị các nhóm tội phạm mạng giả mạo để lừa đảo người dùng.
Trong nội dung ‘Điểm tin tuần’ từ ngày 21/10 đến 27/10 về tình hình lừa đảo trực tuyến, thủ đoạn dùng app ngân hàng giả mạo để lừa chiếm đoạt tài sản người dùng là 1 trong 3 hình thức phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo đến người dân.
Lừa quyên góp từ thiện ủng hộ chùa để chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng vụ cháy chùa Vạn Phật ở Pleiku ngày 22/9, những ngày qua, một số kẻ lừa đảo đã lập các trang Facebook giả mạo mang tên chùa để kêu gọi quyên góp tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, có trang Facebook giả mạo được tạo với giao diện, ảnh bìa giống trang chính thức của chùa Vạn Phật; đăng tải lại nhiều hình ảnh, video, hoạt động từ trang thật để tạo niềm tin cho người xem, thậm chí còn chạy quảng cáo trên Facebook để tiếp cận được nhiều người, nhận được sự tương tác lớn.
Một số người phát hiện đây là trang lừa đảo đã bình luận để cảnh báo những người khác. Tuy nhiên, những người này đều bị các đối tượng xóa bình luận và chặn truy cập.
Từ vụ lừa đảo theo hình thức kêu gọi từ thiện kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.
Người dân chỉ nên chọn quyên góp, ủng hộ các trường hợp khó khăn, cần giúp đỡ qua những đơn vị uy tín để đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Lừa cài app ngân hàng giả mạo để chiếm quyền điều khiển thiết bị
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn chung của nhiều đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán.
Sau khi tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức, kẻ lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân, kịch bản lừa đảo cũng liên tục được thay đổi, như mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học…
Đặc biệt lưu ý người dùng về chiêu trò lừa cài đặt app ngân hàng giả mạo, Cục An toàn thông tin nêu rõ: Những ứng dụng này có chứa mã độc, giúp kẻ lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp thông tin và thực hiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các bài đăng, thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người dùng không truy cập vào các đường dẫn lạ; không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.
Lập các hội nhóm ‘Tư vấn sức khỏe’ trên mạng xã hội để lừa đảo
Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là sau khi tạo lập các Fanpage, hội nhóm ‘Tư vấn sức khỏe’ trên mạng xã hội, chúng dụ dỗ các nạn nhân tham gia, tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh với nhiều khuyến mãi hấp dẫn.
Tại đây, các đối tượng chia sẻ thông tin, video có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để tư vấn và hướng dẫn nạn nhân sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.
Nhiều người dân đã bị lừa mất tiền, nguy hiểm hơn là nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe do dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyên người dân, trước khi dùng dịch vụ khám chữa bệnh, cần kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế.
Khi có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng những nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.