Kiến nghị loạt giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:43, 28/10/2024
Theo ông Tây, thị trường xăng dầu những năm qua liên tục có những bất ổn do Nghị định về xăng dầu hiện hành đặt ra quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu mối, dẫn đến cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ liên tục bị thua lỗ. Tình trạng thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, Nhà nước thất thu thuế và không ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, Nghị định hiện hành và dự thảo Nghị định sửa đổi về xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, có những quy định trái với quy luật thị trường, trái với Luật Cạnh tranh 2018 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi để các doanh nghiệp đầu mối nắm toàn bộ các khâu của chuỗi cung ứng, từ nhập khẩu đến phân phối và bán lẻ.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu gặp khó, cần sửa các quy định hiện hành. Ảnh: Như Ý |
Để dự thảo Nghị định mới về xăng dầu hoạt động có hiệu quả, theo ông Tây, Chính phủ cần có động thái dứt khoát trong việc tách các doanh nghiệp đầu mối ra khỏi hệ thống bán lẻ xăng dầu, để các cửa hàng hạch toán độc lập về tài chính và pháp nhân điều hành.
“Việc tách nhập khẩu, phân phối và bán lẻ sẽ giúp thuế thu nhập doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ ở từng khâu một cách rõ ràng. Việc được đồng thời vừa nhập khẩu, phân phối và bán lẻ dễ dẫn đến việc chuyển lỗ, chuyển giá, vi phạm Luật Cạnh tranh”, ông Tây phân tích.
Đại diện cộng đồng bán lẻ xăng dầu cũng cho rằng, Nghị định mới về xăng dầu cần có các quy định cụ thể về việc phân phối chi phí định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Nghị định mới cũng cần có cơ chế, định mức, chế tài về chuyển giá, đầu cơ cũng như biện pháp bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ khi chiết khấu bị bóp nghẹt, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ.
“Cần quy định chi phí định mức tối thiểu ở khâu bán lẻ bằng các quy định cụ thể. Không được để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định cho mức chiết khấu như hiện nay. Trường hợp nếu không quy định chiết khấu cụ thể, nghị định mới cần có quy định cho doanh nghiệp bán lẻ được nghỉ bán khi chiết khấu thấp, bán hàng không hiệu quả”, các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị.
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng kiến nghị cho doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau để điều tiết nguồn hàng theo quy luật kinh tế thị trường.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng và đề xuất ban hành Luật Xăng dầu và cần sớm nghiên cứu hành lang pháp lý cho lập sàn xăng dầu trong năm 2025 để phục vụ nhu cầu mua bán xăng dầu nội địa.
Doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh
Về những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc mua xăng dầu từ nhiều nguồn, trả lời báo chí, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã cân nhắc rất kỹ quy định thương nhân phân phối không mua hàng của nhau.
Theo ông Chinh, việc không cho thương nhân phân phối lấy nhiều nguồn xuất phát từ việc qua thanh tra, kiểm tra và điều tra, các cơ quan chức năng đã kiến nghị với Bộ Công Thương và Chính phủ là cần có quy định đảm bảo cho quản lý xăng dầu tiến dần tới thị trường nhưng phải cắt bỏ bớt khâu trung gian để giảm chi phí. Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị định với định hướng xuyên suốt như vậy.
“Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện”, ông Chinh nói. Ông cũng cho biết, Nghị định về kinh doanh xăng dầu cũng quy định điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, ở phân khúc nào doanh nghiệp phải đáp ứng đúng điều kiện của phân khúc đó, không có sự phân biệt đối xử. Theo đó, thương nhân phân phối chỉ được mua từ đầu mối. Hiện có 30 đầu mối trên thị trường, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường và thương nhân phân phối có sự lựa chọn.