Điểm tin Kinh doanh 28/10: Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức đỉnh lịch sử
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 28/10/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức đỉnh lịch sử
Đầu giờ chiều 27/10, giá vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức đỉnh lịch sử 89 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cũng cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng và không chạy theo tâm lý đám đông.
Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,9 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn 87 - 88,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.747 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tăng liên tục theo sát giá vàng thế giới còn giá vàng miếng SJC điều chỉnh theo giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều tháng nay, việc mua vàng miếng SJC hay vàng nhẫn qua các kênh chính thống khó khăn nên nhiều người tìm cách mua vàng trên thị trường “tự do”. Giá trên thị trường tự do cao hơn giá niêm yết từ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.
Nhận định về việc giá vàng tăng liên tục thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng nhẫn tăng mạnh thời gian qua là do chịu tác động của giá thế giới và vàng miếng đang bị kiểm soát nên giá ổn định, còn vàng nhẫn "hứng" biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn rất lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm.
- Temu, Shein, 1688… chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương
Bộ Công Thương cho biết các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đến nay, các sàn kể trên vẫn chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Để tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có các sàn này, ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
- Áp lực kinh tế: Doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt với suy giảm lợi nhuận
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp lớn trong nước đã giảm 27,1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9/2024.
Mức giảm này đã tăng 9,3% so với tháng 8 cùng năm, cho thấy áp lực suy thoái kinh tế và giảm phát đang gia tăng, làm suy yếu sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp.
Sự suy giảm lợi nhuận được cho là phản ánh tác động từ những ngưỡng cao mà các cơ sở đã đạt được trong cùng kỳ năm ngoái. Tổng hợp trong 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,5% so với năm trước, cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lợi nhuận công nghiệp là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe tài chính của các nhà máy, khu mỏ và các công ty tiện ích. Việc suy yếu lợi nhuận này có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trong những tháng tới, khi các nhà đầu tư phải cân nhắc nguy cơ và cơ hội trong một bối cảnh kinh tế đầy biến động.
Theo thông tin từ Bloomberg Economics, giá hàng hóa tại nhà máy của Trung Quốc đã giảm trong tháng 9/2024, đánh dấu lần giảm thứ 24 liên tiếp với tốc độ giảm dần. Điều này phản ánh nhu cầu nội địa yếu ớt, làm tăng thêm những lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế.
- Nhà Khang Điền tiếp tục giải thể 2 công ty con
Kể từ năm 2022, nhà phát triển bất động sản này đã liên tục giải thể hàng loạt công ty con, trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) đã thông qua Nghị quyết giải thể 2 công ty con là Công ty TNHH Phát triển Nhà và Xây dựng Hạ tầng Long Phước Điền và Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Phú.
Công ty Long Phước Điền có vốn điều lệ 140 tỷ đồng, trong khi công ty Nam Phú có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là 2 công ty con mà KDH sở hữu lần lượt 99,95% và 99% vốn điều lệ. Cả 2 doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chủ yếu tham gia phát triển, xây dựng các dự án nhà ở và hạ tầng.
Thực tế, Nhà Khang Điền liên tục giải thể công ty con trong các năm gần đây. Vào tháng 5/2023, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động 2 công ty con gián tiếp là CTCP Phát triển Bất động sản Nguyên Thư và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Liên Minh.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Saphire (Khang Điền sở hữu 99,9% vốn) cũng đã giải thể Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Thông do Saphire sở hữu 99,9% vốn.
Cuối năm 2022, KDH cũng thông qua Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Kim Phát (Khang Điền sở hữu 99,9% vốn) đồng ý giải thể Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Phú Hải do Kim Phát sở hữu 99,9% vốn.
- Lượng xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến
Tháng 9/2024 đánh dấu hàng loạt hãng xe Trung Quốc ra mắt tại thị trường Việt Nam và lượng xe nhập khẩu tăng đột biến.
Sự hiện diện của hàng loạt thương hiệu từ thị trường Trung Quốc có thể đã khiến cho lượng ô tô nhập khẩu từ nước này tăng cao đột biến. Theo số liệu mới từ Tổng cục Hải quan, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến một bước nhảy vọt đáng kể trong việc nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc trong năm 2024.
Riêng tháng 9, có tới 2.348 chiếc xe nguyên chiếc từ Trung Quốc được đưa về, nâng tổng số lượng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm lên đến 21.948 xe, trị giá 653,4 triệu USD. Đây là mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, khi chỉ có 7.712 xe với giá trị tương ứng 297 triệu USD.
Xu hướng tăng trưởng này phản ánh sự gia nhập ồ ạt của các thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt từ khi làn sóng xe Trung Quốc thứ hai bắt đầu mạnh mẽ vào năm 2023. Các hãng xe như SAIC (MG), Wuling, Great Wall Motors (GWM), và gần đây là Chery (với các dòng OMODA và JAECOO) đã có các hoạt động để tiếp cận người tiêu dùng Việt.
Năm 2024 tiếp tục đánh dấu sự hiện diện của những tên tuổi lớn như BYD, Geely (bao gồm Zeekr, Lynk & Co, Volvo), và GAC (cùng AION), trong đó Zeekr - một thương hiệu xe điện cao cấp ra mắt gần đây, minh chứng cho sự mở rộng phân khúc xe thuần điện tại Việt Nam.