Tục nhuộm răng đen của người Việt có từ khi nào?

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:51, 26/10/2024

Tục nhuộm răng đen của người Việt có từ xa xưa, nhưng tại Đông Dương chưa tìm thấy răng đen ở các sọ cổ để xác minh niên đại của tục lệ nhuộm răng.

Tuy nhiên các biên niên của Trung Hoa cho rằng, tục nhuộm răng đen có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên. Chính vì vậy, việc xác định niên đại bắt đầu tục lệ này tại Việt Nam càng thêm khó khăn.

Hàng loạt các dẫn chứng lịch sử chứng minh người Việt có tục nhuộm răng, nhưng tục lệ này có phụ thuộc vào phong tục các nước hay không vẫn là một ẩn số.

Răng trắng thì không tử tế!

Thời xưa mọi người đều thích nhuộm răng, và việc nhuộm răng trải qua nhiều giai đoạn. Ở nông thôn có người gọi thợ nhuộm răng là “thầy” - họ đi từ làng này sang làng khác để hành nghề. Ở kinh đô Huế lại có các “bà thầy” hành nghề cố định trong chợ. Thầy nhuộm răng thường vừa hành nghề vừa sản xuất thuốc nhuộm, thuốc xỉa.

Theo quan niệm về cái đẹp thời xưa, hàm răng đen được coi là chuẩn mực không chỉ riêng với phụ nữ mà ngay cả với nam giới. Do đó, vẻ đẹp của hàm răng đen đã được đưa vào ca dao, thi ca như một chuẩn mực về nét đẹp Việt Nam: Răng đen ai nhuộm cho mình/ Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?

Thời xưa mọi người đều thích nhuộm răng.
Thời xưa mọi người đều thích nhuộm răng.

Răng đen cũng được xếp thứ 4 trong 10 chuẩn mực đo nét duyên của người con gái:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm cũng nhắc tới nụ cười của cô gái Kinh Bắc:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Không chỉ là chuẩn mực của cái đẹp, tục nhuộm răng đen trở nên phổ biến đến nỗi được coi là chuẩn mực đạo đức. Trong xã hội bấy giờ, dân gian cho rằng người nào răng trắng là không tử tế. Trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính có viết: “Song tục quen đã lâu, đàn ông trắng răng thì chẳng sao, chứ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà trắng răng thì coi cũng khí ngộ một đôi chút”.

Phan Khôi cũng từng dẫn lời của một nhà báo lấy biệt hiệu là Lư Sơn Chơn Tướng về vấn đề này: “Tôi từng đi đủ Trung - Bắc hai kỳ, tôi thấy những nhà thi lễ, tức là bậc thượng lưu trong xứ, thì đàn bà con gái của họ cũng đen răng, cho như thế là trang nghiêm mỹ lệ; còn trái lại, răng trắng thì cho là đồ ăn chơi đĩ thõa.

Coi đó thì biết cái tục răng đen của người Nam là từ các đấng tiên dân bày ra và đã lâu đời lắm rồi, chẳng những cho là đẹp, mà cũng lấy đó tỏ ra là nền nếp con nhà nữa… Khắp nước Việt Nam, trừ miền Nam ra, thì tôi thấy đâu đâu đàn bà con gái cũng đen răng hết, duy có những hạng vợ tây, vú, bồi, bếp gái ở với Tây thì mới hay để răng trắng mà thôi, thế thì cái tục ấy xấu tốt thế nào cũng đủ biết”.

Trong nhiều văn bản lịch sử cũng như văn chương, nhuộm răng đen không chỉ là tục lệ, mà trở thành luật bất thành văn về cái đẹp và sự đứng đắn. Không chỉ “cái răng, cái tóc là góc con người” mà để hấp dẫn khi trang điểm - người con gái bao giờ cũng rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm, như câu ca dao:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Thời xưa, có các thợ nhuộm răng – họ hành nghề ở các làng hoặc khu chợ.
Thời xưa, có các thợ nhuộm răng – họ hành nghề ở các làng hoặc khu chợ. (Ảnh minh họa: IT).

Tục nhuộm răng từ thời Hùng Vương?

Không chỉ ở Việt Nam, tục nhuộm răng đen cũng từng xuất hiện ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và Đông Á.

Trong khi tục cà răng có thể thấy trên khắp thế giới thì tục nhuộm răng đen chỉ tồn tại trong một vùng tam giác ở bờ biển khu vực Đông Á. Đỉnh tam giác, về phía Bắc chạm đến miền Bắc Nhật Bản. Cạnh Đông là quần đảo Mariannes và góc phía Đông là quần đảo Salomon. Cạnh đáy chạy qua Timor và Java; góc phía Tây là đảo Sumatra, còn cạnh Tây chính là Đông Dương.

Tại khu vực này, cư dân bản địa nhuộm răng đen với các kỹ thuật đa dạng và phong phú nhất. Khi thì người ta chỉ nhuộm riêng, khi thì kết hợp với cà răng (dũa, đục) - một phong tục rất được ưa chuộng đối với những dân tộc theo văn hóa Indonesia, dù ở đất liền hay ở ngoài đảo.

Tại xứ Đông Pháp, tục này khá phổ biến nhưng không vượt quá vĩ tuyến 28 độ 35 Bắc. Hơn nữa, đường phân chia này trùng với ranh giới phía Bắc của người Thái và ranh giới khu vực sinh sống của người Khạ, nơi người dân dùng nanh heo dưới để cài tóc.

Thật khó có thể thiết lập chính xác bản đồ nhuộm răng đen ở Đông Dương. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy người An Nam, Thái, Mường, Mán, Khmer, Thượng và một số người Khạ đều nhuộm răng đen.

Tộc người Sinoïde ở vùng cao, người Hoa, người Chăm và một số người Thượng đã bị Chăm hóa lại không theo tục lệ này.

Mỗi vùng miền kể trên lại có lịch sử và quan niệm khác nhau về tục nhuộm răng. Theo các nhà nghiên cứu, giống như nhiều tục lệ khác của người xưa - tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ truyền thuyết về một ông vua - chồng của một nữ thần biển.

Vị nữ thần này sinh được 100 trứng nở ra 100 người con trai. Ít lâu sau, hai người chia tay vì bất hòa. Nữ thần muốn mang 100 người con trai theo mình về biển. Nhà vua đã tìm cách giấu 50 người con và để đánh lạc hướng người mẹ khi đi tìm con, nhà vua đã xăm da và nhuộm đen răng lũ trẻ để nữ thần không nhận ra được.

Tuy nhiên, truyền thuyết này có vẻ giống với “Lạc Long Quân và Âu Cơ” nhưng thật khó xác định tục này bắt đầu từ khi nào.

Cũng theo thuyết này, thì tục lệ nhuộm răng đen cho rằng xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Và tục nhuộm răng luôn đi liền với tục xăm mình. Tuy nhiên giả thuyết chỉ dừng lại ở vấn đề giả tưởng, không có chứng cứ.

Theo “Lĩnh Nam chích quái” thì sứ thần nước Văn Lang trả lời vua nhà Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu rằng: “Người Việt có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen...”. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” lại chỉ ghi lại lời vua Hùng về tục xăm mình, còn tục nhuộm răng không nói đến.

Sách “Lịch sử Việt Nam” có đoạn: “Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tóc hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu”. Trong bài hịch của vua Quang Trung khi kéo quân ra Bắc đánh giặc Thanh năm 1789 có câu liên quan đến tục nhuộm răng: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng.

Tuy vậy, ở Đông Dương giới khảo cổ chưa bao giờ tìm thấy răng đen ở các sọ cổ cho phép xác minh niên đại của tục nhuộm răng. Trong khi các biên niên đời Chu của Trung Hoa và các văn bản được cho là của Tư Mã Thiên cho rằng, tục nhuộm răng đen có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên.

Răng đen không do ăn trầu

Thuốc nhuộm răng của người Lự.
Thuốc nhuộm răng của người Lự.

Hiện nay, người dân tộc Lự ở Lai Châu vẫn bảo tồn tục lệ nhuộm răng đen.
Hiện nay, người dân tộc Lự ở Lai Châu vẫn bảo tồn tục lệ nhuộm răng đen.

Răng không phải là sơn đen mà là nhuộm đen. Nhiều người từng cho rằng, tục nhuộm răng của người Việt là từ Trung Quốc truyền sang, do thời đó người Trung Quốc vì không muốn người Nam lẫn với người Bắc. Bởi vậy mà họ bắt người Nam phải nhuộm răng để phân biệt.

Tuy nhiên, ý kiến này không được tán đồng. Nhiều người lại nhập nhằng giữa tục nhuộm răng và tục ăn trầu, họ cho rằng do ăn trầu nên răng mới đen chứ không xem răng đen là một phong tục riêng của người Việt.

Tuy nhiên, sau này nhiều nhà khoa học khẳng định tục ăn trầu và tục nhuộm răng không có quan hệ gì với nhau. Bởi người ăn trầu mà không nhuộm răng thì răng có màu đỏ sẫm chứ không đen nhánh.

Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Minh Phúc và Nguyễn Thị Loan thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì để có được hàm răng đen nhánh hạt huyền thì người ta cần phải trải qua nhiều công đoạn nhuộm công phu và cũng không kém phần gian nan.

Đầu tiên người ta bôi lên răng một thứ thuốc màu đỏ gọi là “thuốc ruộm răng đỏ”. Thứ thuốc này chẳng có gì liên quan tới loại sơn đen, không phải đỏ, chiết từ một số cây trầu.

Như vậy nói sơn răng là không đúng, cần phải thay thuật ngữ này bằng thuật ngữ mà người An Nam thường sử dụng là “răng ruộm đen”. Sau khi răng được nhuộm đỏ, người ta đắp lên răng một hỗn hợp gồm sắt và ta-nanh gọi là “thuốc ruộm răng đen” để răng có màu đen vĩnh viễn.

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng tồn tại tục lệ nhuộm răng.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng tồn tại tục lệ nhuộm răng.

Cũng theo khảo sát này, trong số 1.430 lính bản xứ do thực dân Pháp tuyển mộ từ nông thôn, có tới 1.037 người răng đen. Vì vậy, có thể tạm kết luận 80% dân quê miền Bắc nhuộm răng đen, trong đó 60% ở độ tuổi từ 22 đến 26.

Tuy nhiên, tục này mai một dần và thể hiện khá rõ ở miền Nam bởi hai tác động: Thứ nhất là số Hoa kiều tại đây khá đông; Thứ hai là sự phát triển nhanh chóng của nền văn minh phương Tây.

Một số nguồn sử liệu cũng cho biết, khoảng vào năm 1862 - khi nền văn minh Tây phương xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, và nhất là đầu những năm của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ đã để răng trắng hay cạo hàm răng đen được nhuộm từ thuở mới thay răng để trở thành người phụ nữ mới nhằm tham gia vào công cuộc cải cách xã hội, phong trào nữ quyền, giải phóng.

Theo GDTĐ