Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam: Mức xử phạt sàn chui có thể lên đến bao nhiêu?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:59, 25/10/2024
“Cơn bão” Temu tiếp tục bùng phát mạnh hơn sau khi nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) này ra mắt chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) tại Việt Nam với mức hoa hồng lên tới 30% cho mỗi sản phẩm.
Mô hình tiếp thị liên kết nhiều cấp cho phép người giới thiệu hưởng thêm 20% hoa hồng từ doanh thu của các đối tác tiếp theo; tặng ngay 150.000 đồng khi giới thiệu thành công một tài khoản mới cài đặt ứng dụng và thực hiện mua sắm sản phẩm…
Người tham gia được dùng các khoản tiền thưởng và hoa hồng này để mua sắm trên sàn chứ không được nhận ngay “tiền tươi thóc thật”. Nếu giao dịch bị hủy hoặc hoàn lại, hoa hồng và tiền thưởng sẽ bị thu hồi.
Dù rằng nhiều mặt hàng trên Temu có giá tương đương các sàn TMĐT khác nhưng với voucher mua hàng giảm giá cho người mới, với mức giảm 'khủng' từ 30-90%, nhiều sản phẩm "rẻ như bèo", lại còn miễn luôn phí ship. “Sức nóng” của Temu vì thế tiếp tục lan tỏa dữ dội.
Các doanh nghiệp, nền tảng TMĐT đã đăng ký hoạt động đều phải nộp thuế, còn các nền tảng chưa/không đăng ký thì sẽ chưa/không nộp thuế, chưa/không chịu sự kiểm soát theo quy định Việt Nam, như thế sẽ tạo ra một cuộc chơi không công bằng - ông Bùi Quang Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) chia sẻ quan điểm với VietNamNet.
"Temu cần đăng ký hoạt động chính thống tại Việt Nam để đảm bảo cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp khác, tránh hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế cho Việt Nam”, ông Cường bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam quan ngại: “Temu chưa hề đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn đang bán hàng với giá rất rẻ, thậm chí mình chưa từng bao giờ nghĩ có thể sản xuất được với giá đó. Được “chống lưng” bởi tập đoàn lớn nên họ sẵn sàng triển khai loạt chiến dịch "sale sập sàn", tiếp thị liên kết ồ ạt".
Bà Hằng khuyến cáo, nếu không tỉnh táo trước những “chiêu trò” cạnh tranh không lành mạnh thì vô hình chung đang đẩy doanh nghiệp Việt xuống dốc.
Còn về phía người tiêu dùng, bà Hằng lưu ý, hiện chưa biết cơ quan nào kiểm duyệt chất lượng hàng hóa bán qua Temu vào Việt Nam. Cũng chưa biết ai sẽ đứng ra giải quyết khi người dùng sản phẩm gặp vấn đề nếu Temu chưa được cấp phép hoạt động.
Ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cũng chung mối lo rằng khi Temu hoạt động không phép có thể xảy ra nhiều hệ lụy, từ việc không đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, tới thất thu thuế, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh không lành mạnh…
Tuy nhiên, theo ông Hòa, đây mới là bước khởi đầu hoạt động tại Việt Nam của một sàn TMĐT đang hoạt động ở nhiều quốc gia. Temu có thể là kênh không chỉ bán hàng hóa ở nước ngoài vào Việt Nam mà còn đưa sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu.
“Thay vì chúng ta chờ đợi họ đến làm việc thì các cơ quan nhà nước có thể chủ động đến trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ họ về những thủ tục cần phải làm. Cứ để tiêu cực xảy ra rồi mới xử phạt thì không phải giải pháp tối ưu”, ông Hòa nêu ý kiến.
Trao đổi nhanh với Báo VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Bộ Công Thương cho hay: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP là hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có Mục 10 quy định hành vi vi phạm về TMĐT với các mức xử phạt cụ thể, trong đó có hành vi "Không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định". “Từ trước tới nay, rất nhiều trường hợp sàn TMĐT bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý. Mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng”, ông Thành thông tin. |